Đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt sẵn sàng gánh 60% hạ tầng, nhưng 'khát' lao động mới là điều lo ngại
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cảnh báo, cần chuẩn bị nghiêm túc về đào tạo nhân lực, kết nối cung – cầu lao động, nếu không muốn các dự án trọng điểm rơi vào cảnh “tiền có, việc có, nhưng không ai làm", điều đó còn đáng sợ hơn cả thiếu tiền hay thiếu thiết bị.
Nêu quan điểm tại toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới”, sáng 14/5, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho rằng: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, đang được kỳ vọng trở thành cú hích chiến lược cho hạ tầng giao thông quốc gia.
Trong bức tranh lớn ấy, cũng chính là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong nước khi khối lượng công việc xây dựng chiếm trên 50% đến gần 60% phần hạ tầng toàn dự án.
“Chúng tôi đánh giá doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận phần việc khổng lồ này. Hiệp hội đã có kiến nghị tổng thể với Chính phủ và Bộ Xây dựng về cơ chế tham gia, và hy vọng sẽ sớm được nghiên cứu, xử lý trong thời gian tới”, Chủ tịch VACC khẳng định.
![]() |
Chủ tịch VACC nhấn mạnh: Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp xây dựng lớn hiện nay quan tâm là: liệu có đủ lao động để thực hiện dự án không? Nếu không tính toán từ bây giờ, thậm chí chúng ta sẽ phải tính tới phương án nhập khẩu lao động. |
>>> 'Doanh nhân không sợ ổ gà, chỉ sợ luật chơi không rõ ràng'
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin vào năng lực nội địa, người đứng đầu Hiệp hội Nhà thầu cũng thẳng thắn cảnh báo một thực tế đáng lo ngại: tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong ngành xây dựng hiện nay có thể trở thành “nút thắt cổ chai” khi triển khai các siêu dự án như đường sắt tốc độ cao.
Cụ thể, theo ông Hiệp, đặc thù ngành xây dựng là lao động phổ thông và thời vụ chiếm tới khoảng 75% tổng nhân sự. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế và sự bùng nổ của các khu công nghiệp hiện nay đang hút lượng lớn lao động tại chỗ. Nhiều địa phương từng là “vựa” cung cấp nhân lực xây dựng như Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình, Hải Dương giờ cũng rơi vào cảnh khan hiếm lao động.
“Người lao động bây giờ có xu hướng chọn làm gần nhà, mức lương ổn định, điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Dịch Covid-19 cũng để lại tâm lý ngại đi xa, ngại bất ổn. Trong khi đó, ngành xây dựng thường xuyên phải di chuyển, làm việc xa nhà, điều kiện sinh hoạt vất vả hơn, khiến lao động phổ thông không còn mặn mà”, ông Hiệp phân tích.
Ông Hiệp dẫn chứng: Thực tế, tại một số công trình xây dựng lớn như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhiều nhà thầu cho biết hiện đang phải tuyển dụng gấp nhân công thời vụ từ các tỉnh Tây Bắc hoặc thuê lại đội lao động từ các công trình dừng thi công do thiếu hụt. Nhiều đơn vị như Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) hay Vinaconex cũng từng đề xuất hỗ trợ tuyển dụng qua trung tâm dịch vụ việc làm, nhưng hiệu quả chưa cao vì người lao động không còn mặn mà với việc đi làm xa nhà.
Không chỉ thiếu lao động phổ thông, nguồn kỹ sư và nhân sự chất lượng cao cũng đang thiếu hụt. Tình trạng này buộc nhiều công trình xây dựng hiện nay phải sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, dẫn đến khó khăn trong giao tiếp và quản lý, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thi công.
Vấn đề nguồn nhân lực không thể tách rời khỏi cách phân chia và thiết kế gói thầu. Ông Hiệp cho rằng, nếu triển khai theo mô hình tổng thầu trọn gói từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt sẽ rất khó chen chân. Việc áp đặt quyền lợi cho nhà thầu phụ trong mô hình tổng thầu cũng làm suy giảm cơ hội tham gia của doanh nghiệp nội.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu đề xuất, cần có cơ chế chỉ định thầu có điều kiện, hoặc lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cần chuẩn bị nghiêm túc về đào tạo nhân lực, kết nối cung – cầu lao động, nếu không muốn các dự án trọng điểm rơi vào cảnh “tiền có, việc có, nhưng không ai làm".
“Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp xây dựng lớn hiện nay quan tâm là: liệu có đủ lao động để thực hiện dự án không? Nếu không tính toán từ bây giờ, thậm chí chúng ta sẽ phải tính tới phương án nhập khẩu lao động”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD?
Siêu dự án đường sắt 67 tỷ USD: Doanh nghiệp Việt đủ sức thi công 80% khối lượng xây dựng