Bơm thạch rau câu vào tôm là một hành vi đáng lên án, thiếu trung thực trong kinh doanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe người dùng.
Từ trước đến nay, tôm là loại hải sản yêu thích của nhiều người bởi đây là loại thực phẩm không chỉ ngon miệng mà còn chứa lượng protein cao gấp nhiều lần so với cá, trứng, sữa...
Trong 100g tôm tươi có chứa đến 18.4g protein. Hơn thế nữa protein có trong tôm là dạng protein tinh khiết, rất tốt cho sức khỏe. So với cá và gia cầm, tôm có ít chất béo, nhiều vitamin A, kali, iốt, magiê, phốt pho và các nguyên tố vi lượng khác có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, đã không ít lần lực lượng chức năng phát hiện tôm bị nhiễm tạp chất thạch rau câu do được người bán tiêm vào phần đầu để trông tươi ngon, bắt mắt hơn. Trước tình trạng này, người tiêu dùng cảm thấy lúng túng và hoang mang khi lựa chọn loại thực phẩm này làm thức ăn cho gia đình.
Bơm thạch vào tôm giúp ức chế vi khuẩn gây hại?
Gần đây, một bài viết liên quan đến chủ đề bơm thạch vào đầu tôm được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. Nội dung bài viết nói rằng: Sau khi tôm chết, phần đầu tôm sẽ rất nhanh sản sinh ra một chất độc tên là histamine. Để giúp cho tôm tươi ngon, nhiều người đã nghĩ ra cách bơm thạch rau câu vào đầu của con tôm.
Cũng theo bài viết này thì: Thạch rau câu được làm từ tảo biển, có tác dụng ức chế vi sinh vật gây thối rữa. Việc bơm thạch rau câu vào đầu tôm sẽ giúp ức chế vi sinh vật gây hại, khiến đầu tôm không bị hỏng nữa.
Tác giả của bài viết cũng thể hiện quan điểm rằng đây là chất hoàn toàn hợp pháp, thậm chí còn kêu gọi mọi người hãy ăn tôm có bơm thạch vì rất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã khẳng định thông tin trên là không chính xác.
Dẫn nguồn từ Báo điện tử Tổ Quốc, PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay: "Thạch rau câu bản thân là một polysaccharide, khiến các vi sinh vật khó ăn hơn những thứ khác chứ không hề có tác dụng ức chế vi sinh vật như bài viết nói. Khi ở cạnh nhau, thịt tôm sẽ thối rữa trước thạch. Vấn đề là ở chỗ người ta đã cho một thứ rẻ tiền vào một thứ đắt tiền để thu lợi. Tuy nhiên, thạch rau câu không gây hại cho nên người tiêu dùng cũng không cần phải quá lo lắng khi ăn chúng ".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thạch rau câu hay còn gọi là agar, thực tế không gây độc, là thứ có thể ăn được. Dùng bột agar hòa với nước rồi bơm vào tôm chỉ làm tăng trọng lượng và tôm phồng, trông béo hơn nên bắt mắt hơn, chứ nó không hề có tác dụng làm tôm tươi trở lại.
Nhiều năm gần đây có tình trạng tôm được bơm thạch vào phần đầu để tôm trông đẹp hơn, cứng hơn, nặng cân hơn vì thế cũng bán được giá hơn. Dù hành động bơm thạch vào tôm không gây độc hại nhưng đáng lên án vì đó là hành vi làm hàng giả, thiếu trung thực, nhằm "bán thạch theo giá tôm" để lấy lời.
Tôm chết càng lâu, chất độc tích lũy trong tôm càng nhiều, ăn nhiều có thể xảy ra tình trạng ngộ độc. Do đó, việc tiêu thụ nhầm những con tôm đã chết được bơm thạch sẽ khiến người tiêu dùng sẽ phải nhận nhiều "trái đắng" khó lường trước.
Ngoài ra khi thủy hải sản bị bơm tạp chất, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Cụ thể là: vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả; vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu; vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
Nếu người bán sử dụng các chất bảo quản độc hại như hàn the, ure... thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải có khả năng bị ngộ độc cấp tính. Sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn hoạt động của tuyến giáp, hệ thần kinh...
Lưu ý để tránh mua phải tôm bị bơm tạp chất
Để tránh mua phải tôm bị bơm tạp chất, người tiêu dùng nên lưu ý những điểm sau:
Về hình dáng: Quan sát những con tôm tươi và sạch sẽ có phần thân mềm, cong. Tôm có lẫn tạp chất thường cứng và thẳng đơ.
Phần mình tôm: Con tôm được bơm tạp chất thường mập béo, căng bất thường. Các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Người tiêu dùng quan sát bằng mặt thường kĩ sẽ phát hiện ra ngay.
Phần đầu tôm: Những con tôm bị bơm tạp chất khi mới chết phần đầu thường bị phù, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng bị rời nhau, không có sự bám dính chặt. Bạn chỉ việc dùng tay đẩy nhẹ để kiểm tra điều này.
Mang của tôm bơm tạp chất thường bị cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường không bị bơm tạp chất sẽ mềm, phẳng.
Khi nấu: Tôm được bơm hóa chất sẽ tiết ra nhiều nước, thịt tôm bị teo nhỏ lại. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín sẽ dễ dàng phát hiện ra một lớp thạch nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là phần đầu và dưới mang.
Theo những người có kinh nghiệm, loại tôm được các chủ cửa hàng lựa chọn để bơm tạp chất chủ yếu là tôm sú. Khi bơm rau câu vào, con tôm sẽ có hai lớp là phần thịt và lớp thạch rau câu.
11 loại thực phẩm tưởng "lành mạnh" nhưng chưa chắc có lợi cho sức khoẻ