Sau sáp nhập, một tỉnh có thế mạnh về cà phê bất ngờ thành ‘vựa nuôi tôm’ lớn
Sau khi sáp nhập hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, nơi đây sẽ là 'vựa nuôi tôm' lớn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, Đắk Lắk bất ngờ lọt top 10 các tỉnh, thành phố có quy mô nuôi tôm lớn nhất ở nước ta.
Báo cáo mới nhất của Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2024, cả nước có diện tích 749,8 nghìn ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng đạt trên 1,29 triệu tấn.
Cụ thể, diện tích nuôi tôm sú là 628,8 nghìn ha, sản lượng khoảng 338,8 nghìn tấn; tôm chân trắng có diện tích 121 nghìn ha và sản lượng đạt 951,7 nghìn tấn.
Xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước đó.
Báo cáo của Cục Thủy sản cũng cho thấy, cả nước có 28 tỉnh, thành phố nuôi tôm nước lợ. Trong đó, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang là 5 địa phương có sản lượng tôm lớn nhất nước.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các địa phương, quy mô nuôi tôm và sản lượng loại thủy sản này ở các địa phương có sự thay đổi lớn.
Theo số liệu sơ bộ, sau khi tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất, diện tích nuôi tôm nước lợ của địa phương này đạt gần 407.251 ha, sản lượng đạt 509.360 tấn trong năm 2024.
Xét ở cả khía cạnh diện tích và sản lượng, tỉnh Cà Mau sau sáp nhập sẽ trở thành “vựa nuôi tôm” lớn nhất cả nước, chiếm lần lượt 39,5% về sản lượng và 54,3% về diện tích ngành hàng tôm.
Trong năm 2024, tỉnh Cà Mau công bố kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,27 tỷ USD, còn Bạc Liêu là 1,13 tỷ USD. Hai địa phương này chiếm 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu tôm tại hai địa phương này sau sáp nhập lên tới 2,4 tỷ USD.
Xếp sau Cà Mau là tỉnh Vĩnh Long. Nếu Vĩnh Long “về chung nhà” với Bến Tre và Trà Vinh, địa phương này có tổng diện tích nuôi tôm là 92.331 ha, sản lượng đạt 258.270 tấn.
Trước sáp nhập, Vĩnh Long là tỉnh có thế mạnh nuôi cá tra, cá lồng... nhưng không nuôi tôm. Còn Bến Tre xếp thứ 4 và Trà Vinh xếp thứ 6 cả nước về sản lượng tôm nước lợ.
Tương tự, sau khi sáp nhập với Sóc Trăng và Hậu Giang, TP Cần Thơ vốn không có hoạt động nuôi tôm trước đây đã trở thành địa phương có sản lượng tôm đứng thứ ba cả nước, đạt 204.554 tấn.
Ngoài 3 địa phương trên, trong top 10 tỉnh, thành phố có sản lượng tôm nước lợ lớn nhất ở nước ta còn có: An Giang, Quảng Ninh, TPHCM, Đồng Tháp, Thanh Hoá, Đắk Lắk và Nghệ An.
Đáng chú ý, trước sáp nhập, Đắk Lắk là tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên với thế mạnh trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và các loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất với Phú Yên, Đắk Lắk bất ngờ trở thành 1 trong 10 “vựa nuôi tôm” có sản lượng lớn nhất cả nước.
>> An Giang, Kiên Giang sáp nhập còn 102 xã phường, có thêm 3 đặc khu
Chi tiết thủ tục đính chính sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh thành trên cả nước
Sau sáp nhập tỉnh, lộ diện những ‘công xưởng' top đầu cả nước