Thuế nhập khẩu về 0%: Cú hích cho ngành thức ăn chăn nuôi, Dabaco và Masan MEATLife hưởng lợi lớn
Chính sách giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các nguyên liệu chủ chốt như khô dầu đậu tương và ngô hạt đang mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ về tình hình xuất nhập khẩu tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025. Theo đó, tính đến ngày 15/4, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 119,62 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 16,78 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2024.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá nhập khẩu đạt 118,35 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 16,93 tỷ USD). Một số nhóm hàng nhập khẩu tăng mạnh, nổi bật như:
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 9,12 tỷ USD, tương ứng tăng 32,5%).
- Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (tăng 2,64 tỷ USD, tương ứng tăng 21,2%).
![]() |
Giá trị nhập khẩu một số nhóm hàng trong 4 tháng đầu năm |
Chính sách thuế nhập khẩu 0% – cơ hội cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi
Ngày 31/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Đáng chú ý, nhiều nhóm hàng thiết yếu như sản phẩm gỗ, ethane, ngô hạt, khô dầu đậu tương... được điều chỉnh giảm thuế suất về 0%.
Việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu như khô dầu đậu tương và ngô hạt đang tạo ra cú hích lớn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, khi đây là các thành phần chiếm tỷ trọng 60–70% tổng chi phí sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 703.000 tấn đậu tương, trị giá khoảng 318 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Mỹ vẫn là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam, với sản lượng hơn 414.000 tấn, trị giá hơn 186 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập từ Mỹ tăng 47% và trị giá tăng 19%. Đặc biệt, giá đậu tương nhập khẩu từ Mỹ đã giảm khoảng 19% so với bình quân giá nhập 4 tháng đầu năm 2024, chỉ còn khoảng 451 USD/tấn.
Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 10–11 triệu tấn ngô hạt và 4–5 triệu tấn khô dầu đậu tương. Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ ba và nhập khẩu đậu tương lớn thứ chín trên thế giới. Nhờ giá nguyên liệu giảm mạnh và giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi trong nước đang được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Trong cơ cấu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào chiếm tới 60–70% tổng chi phí. Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% là yếu tố hỗ trợ tích cực giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí nguyên liệu, giảm mạnh chi phí đầu vào và gia tăng khả năng cạnh tranh.
![]() |
Ảnh hạt đậu tương |
Dabaco Group hưởng lợi nhờ hệ sinh thái khép kín
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn trong ngành như Dabaco (DBC), Masan MEATLife (MML), GreenFeed, CJ Vina Agri... đều được đánh giá sẽ hưởng lợi từ việc chi phí nguyên liệu giảm.
Dabaco Group là một trong những doanh nghiệp nội địa nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm. Hiện Dabaco vận hành 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trải dài từ Bắc vào Nam, với công suất hơn 1 triệu tấn/năm, đồng thời xây dựng mô hình chuỗi khép kín 3F (Feed – Farm – Food).
Với nhu cầu nguyên liệu lớn, Dabaco sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá khô dầu đậu tương và ngô giảm, giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận gộp trong mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, và gia tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm thực phẩm chế biến.
Ngoài ra, Dabaco đang mở rộng mạnh mảng thực phẩm thương hiệu như gà tươi, trứng gà ăn liền, nên việc tiết kiệm chi phí thức ăn càng tạo ra lợi thế lớn về giá bán.
Dabaco cũng đang chú trọng đẩy mạnh tiến độ đầu tư dự án mở rộng nhà máy ép dầu giai đoạn II, công suất 1.000 tấn hạt/ngày, nhằm nâng cao sản lượng tiêu thụ dầu thực vật và tối ưu hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào như khô đỗ, soya lecethin… cho các dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Dabaco cũng rất ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 508 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành đến 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau quý đầu tiên.
![]() |
Kết quả kinh doanh của Dabaco |
>> Điểm danh các doanh nghiệp báo lãi trên 500 tỷ đồng ngay quý I/2025, bất ngờ đến từ 2 công ty
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành, Masan MEATLife (MML), cũng được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ chính sách thuế mới. Với năng lực sản xuất hơn 3 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm và hệ thống trại heo quy mô lớn, việc giảm giá nguyên liệu giúp Masan MEATLife cắt giảm giá thành thức ăn chăn nuôi nội bộ (feed cost), hỗ trợ chiến lược hạ giá thành sản phẩm thịt mát MEATDeli và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cả Dabaco và Masan MEATLife đều có lợi thế chủ động tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ, không phụ thuộc lớn vào thị trường cám bên ngoài, nên biên lợi nhuận được dự báo sẽ cải thiện đáng kể trong những quý tới.
Chính sách giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các nguyên liệu chủ chốt như khô dầu đậu tương và ngô hạt đang mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Những doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, quy mô lớn và năng lực quản lý chi phí tốt như Dabaco hay Masan MEATLife được kỳ vọng sẽ tận dụng hiệu quả cú hích này để gia tăng biên lợi nhuận và củng cố vị thế trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng để duy trì đà tăng trưởng bền vững trong dài hạn.