Lạm phát tăng như dự báo trong tháng 4. Thị trường đang theo dõi chặt chẽ để xem xét khi nào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố tối ngày 31/5 (theo giờ Việt Nam), chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động chỉ tăng 0,2% trong tháng 4 - đúng như dự đoán của Dow Jones và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái - cao hơn ước tính 0,1 điểm %.
Nếu bao gồm cả chi phí năng lượng và thực phẩm, PCE tổng thể tăng 0,3% trong tháng 4 và tăng 2,7% so với năm trước, phù hợp với dự báo.
Biểu đồ PCE lõi và CPI lõi của Mỹ |
Trong khi công chúng theo dõi sát sao chỉ số giá tiêu dùng CPI của Bộ Lao động thì Fed lại thích phân tích PCE lõi hơn. CPI chủ yếu xem xét chi phí hàng hóa, dịch vụ, trong khi PCE tập trung vào thứ mọi người đang thực sự chi tiêu, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng khi giá cả biến động.
Giá thực phẩm giảm 0,2% trong tháng, giá năng lượng tăng 1,2%. Giá hàng hóa tăng 0,2% trong khi dịch vụ tăng 0,3% - cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục quay trở lại xu hướng cũ, trong đó dịch vụ và tiêu dùng đóng vai trò là động cơ cho tăng trưởng.
Cùng với chỉ số lạm phát, báo cáo công bố hôm thứ 6 còn bao gồm dữ liệu về thu nhập và chi tiêu. Thu nhập cá nhân tăng 0,3% trong tháng, phù hợp với ước tính, trong khi chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%, dưới mức ước tính 0,4%. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người Mỹ lại giảm 0,1% trong tháng, phần lớn là do chi tiêu cho hàng hóa giảm 0,4% và chi tiêu dịch vụ chỉ tăng 0,1%.
Thị trường tài chính phản ứng tích cực. Hợp đồng tương lai gắn với các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đi lên, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm.
Giám đốc Chris Larkin của bộ phận E-Trade thuộc ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định: "Chỉ số PCE không cho thấy nhiều tiến bộ về lạm phát, nhưng nó cũng không cho thấy bất kỳ sự sụt giảm nào. Dựa trên phản ứng ban đầu của các nhà đầu tư chứng khoán, thị trường sẽ coi bản báo cáo là một thông tin tích cực".
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải kiên nhẫn. Fed đã gợi ý rằng sẽ cần nhiều hơn một tháng với dữ liệu tích cực để xác nhận lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững. Vì vậy, vẫn không có lý do gì để cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra sớm hơn tháng 9”.
Khi dữ liệu lạm phát trở nên nóng hơn dự kiến, các quan chức của Ngân hàng Trung ương đã khuyến khích cách tiếp cận thận trọng. Điều đó có nghĩa là ít có khả năng họ sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Gần đây nhất, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết mặc dù ông tin tưởng lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhưng giá vẫn quá cao và ông chưa thấy đủ tiến bộ trong việc hướng tới mục tiêu 2% của Fed.
Thị trường đã hạn chế bớt kỳ vọng về việc giảm lãi suất trong năm nay. Định giá sáng thứ 6 cho thấy có khả năng động thái đầu tiên sẽ không xảy ra cho đến tháng 11.