Doanh nghiệp

Thương hiệu bánh nức tiếng Sài thành Givral dính scandal gây ngộ độc thực phẩm kinh doanh ra sao?

Yên Hoàng 05/10/2023 21:00

Thương hiệu Givral đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chủ quản.

Mới đây, thương hiệu Givral trở thành tâm điểm truyền thông khi được cho là có liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại chung cư Palm Heights – TP. Thủ Đức, TPHCM.

Cụ thể theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, vào lúc 17h30 ngày 29/09, Ban Quản lý chung cư Palm Heights đã tổ chức vui Trung thu cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Ban Quản lý chung cư phát bánh cho khoảng 200 người (khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn). Sau đó 1 ngày có hiện tượng ngộ độc thực phẩm hàng loạt, trong đó có 1 trẻ đã tử vong, là con của nhân viên phục vụ.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Givral đã phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng, cung cấp mẫu bánh lưu ngày 29/09 cùng nguyên liệu, tài liệu liên quan đến các khâu nhập, sản xuất, vận chuyển… Hiện tại, công tác điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa có kết luận cuối cùng.

Thương hiệu bánh Givral

Xuất hiện ở góc phố Catinat của Sài Gòn cuối năm 1950 bởi một ông chủ người Pháp tên Alain Portier với tên gọi là La Fontaine. Tới năm 1958, La Fontaine được chính thức đổi tên thành Givral và trở thành “trung tâm của thời cuộc” lúc bấy giờ.

Là thương hiệu bánh danh tiếng đã tồn tại và phát triển hơn 70 năm lịch sử, Givral được biết đến một thương hiệu bánh danh tiếng của Sài Gòn, một thương hiệu luôn đặt mục tiêu “hướng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Pháp nhân đứng sau thương hiệu bánh tiếng tăm này là CTCP Bánh Givral có vốn điều lệ 330 tỷ đồng, thành lập từ tháng 12/2011; trụ sở tại Lô II-1B Lê Trọng Tấn, KCN Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các loại bánh từ bột; cụ thể là sản xuất bánh kem, bánh sinh nhật, bánh noel, bánh cưới, bánh mì, bánh nướng, bánh trung thu, bánh quy (trừ sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở). Đại diện pháp luật là bà Võ Thị Bạch Liên (sinh năm 1959) – Tổng Giám đốc Givral.

Năm 2020, vượt qua những khó khăn do tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid – 19, Givral đã duy trì được sự ổn định kinh doanh và tiếp tục phát triển với tổng doanh thu thực hiện đạt 652 tỷ đồng tương đương 98% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt gần 165 tỷ đồng tương đương 103% kế hoạch năm.

Đến năm 2021 doanh thu của Givral giảm sâu 56% so với cùng kỳ xuống mức 288 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ mức 165 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 9 tỷ đồng.

Sang đến năm 2022 kết quả kinh doanh của Givral lại trở lại đà khởi sắc với doanh thu tăng cao gấp 2,6 so với kết quả đạt được năm 2021 lên mức 761 tỷ đồng; Lợi nhuận năm theo đó cũng tăng cao gấp gần 23 lần cùng kỳ lên hơn 207 tỷ đồng.

Bánh Givral - tâm điểm lùm xùm ngộ độc thực phẩm - kinh doanh ra sao?

“Chỗ dựa” của thương hiệu Givral là ai?

CTCP One Capital Hospitality (mã chứng khoán OCH) được xác định là chủ sở hữu của CTCP Bánh Givral. OCH góp vốn vào Givral vào tháng 12/2011 thông qua hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông với tổng cổ phần nắm giữ 2,94 triệu cổ phiếu, chiếm 98% vốn điều lệ Givral thời điểm đó. BCTC năm 2011 của OCH ghi nhận đây là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có giá trị 99 tỷ đồng.

Theo BCTC soát xét bán niên 2023, tính đến 30/6/2023, tỷ lệ cổ phần mà OCH nắm giữ tại Givral là 99,99%.

OCH có tiền thân là CTCP Xây dựng – Thương mại Bảo Long, thành lập vào tháng 07/2006, hiện hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Ngoài ra còn có các dịch vụ khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, phục vụ đồ uống…

Bên cạnh Givral, OCH đang sở hữu một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng khác là Kem Tràng Tiền.

Bánh Givral - tâm điểm lùm xùm ngộ độc thực phẩm - kinh doanh ra sao?

Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, OCH ghi nhận doanh thu đạt gần 279 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu thành phẩm đóng góp tới 80% tổng doanh thu. Doanh thu tài chính ghi nhận tăng gấp 4 lần cùng kỳ lên 42 tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động thoái vốn ở các công ty không hiệu quả. Kết quả OCH báo lãi sau thuế gần 32 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 43 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.

Bánh Givral - tâm điểm lùm xùm ngộ độc thực phẩm - kinh doanh ra sao?

Tính đến 30/6, tổng tài sản của OCH tăng nhẹ so với đầu kỳ, ghi nhận ở mức 2.305 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gấp 16 lần lên 119 tỷ đồng, chủ yếu do trong kỳ công ty phát sinh khoản tiền gửi ngân hàng. Phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh 69% lên 375,5 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính ghi nhận 159,5 tỷ đồng, chiếm 17% nợ phải trả, chủ yếu là nợ vay tài chính dài hạn.

Chủ hãng kem Tràng Tiền lỗ 70 tỷ đồng nửa đầu năm 2024

Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền lại dự định thâu tóm thêm một doanh nghiệp thủy sản

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/banh-givral-tam-diem-lum-xum-ngo-doc-thuc-pham-kinh-doanh-ra-sao-204145.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thương hiệu bánh nức tiếng Sài thành Givral dính scandal gây ngộ độc thực phẩm kinh doanh ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH