Thường trực Chính phủ: Hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư, đội vốn khi làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát suất đầu tư, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước, tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác, đủ tin cậy và thuyết phục.
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Về phương án thiết kế kỹ thuật, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh việc phải tuân thủ chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h, đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Phương án này cần được tính toán, thiết kế sao cho phù hợp, khả thi, và hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu tuyến đường phải được nghiên cứu thiết kế theo hướng thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, đảm bảo tốc độ khai thác và tạo không gian phát triển mới. Đường sắt cần tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối hợp lý; đồng thời, tuyến đường sắt này cần thuận tiện kết nối ngắn nhất tới sân bay, cảng biển lớn, và liên kết với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đối với các ga, các bên cần tính toán diện tích đủ lớn và phù hợp, đảm bảo tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ các dịch vụ, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.
>> Những tuyến đường sắt nào đang được Việt Nam và Pháp xem xét hợp tác phát triển?
Về công năng, Thường trực Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất về việc sử dụng tuyến đường sắt chủ yếu cho vận tải hành khách, đồng thời đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, phục vụ quốc phòng, an ninh, và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quá trình thiết kế, đảm bảo yêu cầu về quốc phòng - an ninh.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu rà soát suất đầu tư, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước, tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác, đủ tin cậy và thuyết phục. Việc này nhằm hạn chế vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án, tránh tình trạng đội vốn khi triển khai và thi công công trình.
Để triển khai dự án, Chính phủ yêu cầu rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa nguồn lực, đồng thời rút gọn các thủ tục đầu tư. Nguồn vốn đầu tư chính sẽ từ ngân sách Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn hợp pháp khác của Nhà nước.
Bên cạnh đó, dự án cần huy động vốn đầu tư theo hình thức BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, đặc biệt tại các nhà ga, sân đỗ) và nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước qua các cơ chế đặc thù.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô như nợ công, nợ nước ngoài. Việc đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án cần thực hiện toàn diện, xác định rằng việc triển khai sẽ nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước, giảm chi phí đi lại, giảm chi phí logistics, và tăng tính cạnh tranh, giá trị gia tăng của đất.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10.
Hội đồng thẩm định Nhà nước phải hoàn thành việc thẩm định trước ngày 18/10 và trình Chính phủ gửi Quốc hội trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Bộ Giao thông vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ là 67,34 tỷ USD với tuyến đường đôi dài 1.541km, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế đạt 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
>> Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD sẽ có khoảng 14 nội dung cần thẩm định
Những tuyến đường sắt nào đang được Việt Nam và Pháp xem xét hợp tác phát triển?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD sẽ có khoảng 14 nội dung cần thẩm định