Thủy sản Hùng Vương (HVG) 'ôm' khối nợ 2.500 tỷ tại Vietcombank, BIDV trước khi dừng công bố BCTC
Thủy sản Hùng Vương (HVG) vừa bị UBCKNN phạt nặng do không công bố thông tin loạt BCTC.
Ngày 16/7/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) số tiền 85 triệu đồng. Nguyên nhân, do Hùng Vương đã không công bố thông tin theo quy định pháp luật.
Theo đó, công ty đã không công bố một loạt báo cáo và tài liệu bắt buộc, bao gồm:
- Báo cáo tài chính: Quý IV/2022; cả năm 2022 đã kiểm toán; quý 1, 2, 3 và 4 năm 2023; báo cáo bán niên năm 2023 đã được soát xét; cả năm 2023 đã kiểm toán; quý 1 và 2 năm 2024; báo cáo bán niên năm 2024 đã được soát xét; quý 3 và 4 năm 2024; cả năm 2024 đã kiểm toán; quý I/2025.
- Báo cáo thường niên: Các năm 2022, 2023 và 2024.
- Báo cáo tình hình quản trị công ty: Năm 2022; 6 tháng đầu năm và cả năm 2023; 6 tháng đầu năm và cả năm 2024.
- Tài liệu và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên: Bao gồm tài liệu họp, biên bản và nghị quyết các năm 2023, 2024 và 2025.
Việc không công bố các thông tin quan trọng trên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
>> Nợ nghìn tỷ, ‘vua cá tra’ một thời muốn bán loạt công ty con để trả nợ
Kinh doanh thua lỗ, Hùng Vương ngừng công bố BCTC
Từ một doanh nghiệp ăn nên làm ra với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Hùng Vương bắt đầu bước vào giai đoạn lao dốc từ năm 2017 khi báo lỗ hơn 700 tỷ đồng. Năm 2018 có dấu hiệu khởi sắc với mức lãi 16 tỷ đồng, nhưng đà phục hồi không giữ được lâu. Năm 2019, công ty lỗ kỷ lục 1.123 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.488 tỷ đồng.
Doanh thu cũng lao dốc mạnh. Từ mức hơn 17.800 tỷ đồng năm 2016 – thời kỳ được xem là “cánh chim đầu đàn” của ngành – đến năm 2019 chỉ còn 4.100 tỷ đồng.
Từ sau năm 2019, Hùng Vương ngừng công bố báo cáo tài chính cho nhà đầu tư, ngoại trừ báo cáo quý I/2020. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt.
![]() |
Kết quả kinh doanh những năm trước đây của Hùng Vương |
>> “Vua cá tra” Dương Ngọc Minh sa cơ, tài sản lần lượt về tay những người giàu nhất Việt Nam
Hùng Vương đang nợ ngân hàng 3.000 tỷ trước khi ngừng công bố BCTC
Trước thời điểm “giấu” báo cáo tài chính, số liệu năm 2019 đã cho thấy tình trạng tài chính đáng lo ngại của Hùng Vương. Tổng dư nợ vay ngân hàng lên đến khoảng 3.000 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay đến hạn trong năm 2019. Hai khoản vay lớn nhất là tại BIDV (BID) với dư nợ 1.870 tỷ đồng và tại Vietcombank (VCB) với dư nợ hơn 600 tỷ đồng. Tổng khối nợ tại BIDV và Vietcombank đã gần 2.500 tỷ đồng.
- Vay BIDV khoảng 1.870 tỷ đồng
Khoản vay tại Ngân hàng BIDV bao gồm 1.860 tỷ đồng tiền Việt và hơn 394.000 USD, với lãi suất dao động từ 8,9% đến 9,2%/năm. Hạn trả cả gốc và lãi là tháng 10/2019.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này gồm tiền gửi ngân hàng, hàng tồn kho và nhiều cổ phiếu:
- 19 triệu cổ phiếu AGF cùng quyền sử dụng đất, nhà cửa, máy móc thiết bị của AGF
- 8,2 triệu cổ phiếu VTF thuộc sở hữu của Hùng Vương
- 6,3 triệu cổ phiếu TFC cùng hàng tồn kho, máy móc thiết bị của TFC
- Máy móc thiết bị của công ty EUR
- Tài sản và quyền sử dụng đất của HVBT
- Vay Vietcombank hơn 600 tỷ đồng
Khoản vay tại Vietcombank có thời hạn trả nợ muộn nhất là tháng 5/2018. Tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị tại KCN Tân Tạo (TP.HCM), quyền sử dụng đất và tài sản tại Cây Trâm (Cà Mau), cùng hệ thống thiết bị máy móc của TFC.
Theo báo cáo tài chính 2019, tại thời điểm lập báo cáo, Hùng Vương vẫn đang xin gia hạn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi. Toàn bộ dòng tiền thu về sẽ được ưu tiên để trả nợ.
Đáng chú ý, những cổ phiếu mà Hùng Vương dùng làm tài sản đảm bảo hiện đang trong tình trạng báo động. AGF đang bị hạn chế giao dịch, thị giá dừng ở mức 2.300 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu TFC bị đưa vào diện bị cảnh báo vào tháng 4/2022. Hiện TFC giao dịch ở mức 75.900 đồng/cổ phiếu.
Còn cổ phiếu VTF không còn là cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.
![]() |
Nguồn: Hùng Vương |
Hùng Vương đang tích cực bán tài sản để trả nợ
Ngày 12/4/2025 vừa qua, Hùng Vương đã thông qua phương án thoái vốn và bán tài sản nhằm tái cơ cấu nợ. Cụ thể:
- Tìm đối tác chuyển nhượng toàn bộ 79,58% vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), đơn vị có vốn điều lệ hơn 281 tỷ đồng.
- Bán toàn bộ 50,38% vốn cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), hiện có vốn điều lệ hơn 1.045 tỷ đồng.
- Thoái toàn bộ 89,99% vốn tại CTCP Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long – doanh nghiệp có vốn điều lệ 80 tỷ đồng.
- Bán toàn bộ 85% vốn tại Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á (đơn vị sở hữu kho lạnh Hùng Vương), hoặc sẽ bán tài sản là kho lạnh này nếu cần thiết.
>> Cổ phiếu HVG bị đình chỉ giao dịch, Hùng Vương vang bóng một thời nay còn lại gì?