Tìm đường gỡ khó cho dự án cao tốc 14.300 tỷ đồng do liên danh Đèo Cả thi công
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do liên danh Đèo Cả thi công, hiện đang đối mặt với những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Vào chiều ngày 29/10, đoàn công tác tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1. Tham gia cùng đoàn còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và huyện Thạch An.
Hiện nay, trên địa phận Cao Bằng đã bàn giao mặt bằng thi công cho doanh nghiệp dự án được 41,26km/41,35km, đạt 99,78% chiều dài tuyến, tương ứng với diện tích khoảng 221,87ha/260,76ha, đạt 85%. Toàn dự án huy động 989 kỹ sư và công nhân, 336 máy móc thiết bị và triển khai 25 mũi thi công. Tổng giá trị thực hiện 3 gói thầu 358,19 tỷ đồng/10.056,85 tỷ đồng, đạt 3,56% giá trị hợp đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được 776,940 tỷ đồng/1.934,193 tỷ đồng, đạt 40,17%.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Một số địa phương chưa hoàn thành các khu tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị mất đất. Bên cạnh đó, ranh giới GPMB thay đổi so với hồ sơ nghiên cứu khả thi ban đầu, yêu cầu bổ sung giải phóng mặt bằng và điều chỉnh diện tích đất rừng được chuyển đổi mục đích.
Việc di dời các hạ tầng kỹ thuật như đường điện cũng gặp nhiều thách thức, làm chậm tiến độ phê duyệt và chi trả bồi thường, dẫn đến khó khăn trong thi công tại các vị trí chưa hoàn thành GPMB và bố trí tái định cư. Ngoài ra, vấn đề thu hồi đất cho các bãi chứa đất đá dư thừa của dự án cũng chưa được giải quyết.
Tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh yêu cầu UBND huyện Thạch An tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt phương án, dự toán bồi thường và chi trả giải phóng mặt bằng cho các diện tích đủ điều kiện. Đồng thời, huyện cần hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để người dân sớm ổn định cuộc sống, giải quyết dứt điểm các vướng mắc và hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và các cơ quan, đơn vị địa phương để đảm bảo hoàn tất các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Các nhà thầu cần huy động tối đa thiết bị, nhân lực, tăng ca, làm xuyên lễ, bổ sung mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ và cam kết giải ngân nguồn vốn đúng hạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với những đoạn không thay đổi trong hồ sơ dự án.
Tiếp đến, đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tại các mũi thi công ở Km 56 đoạn qua xóm Nà Pá, xã Đức Xuân, Km 62+455 thôn Tân Việt, xã Lê Lai và khu tái định cư thị trấn Đông Khê. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh yêu cầu giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực thi công để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Được biết, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng). Tổng vốn giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, đã được khởi công vào đầu năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo đó, liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) và CTCP Xây dựng Công trình 568 được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.