Doanh nghiệp A-Z

VNDirect: Vỡ phương án tài chính tại BOT La Sơn - Tuý Loan và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo gánh nặng nợ vay cho Đèo Cả

Hải Băng 17/10/2024 12:05

VNDirect Research kỳ vọng HHV sẽ nhận 1.180 tỷ đồng vốn góp Nhà nước tại dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả trong quý IV/2024. Tuy nhiên, việc vỡ phương án tài chính tại BOT La Sơn - Tuý Loan và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ tiếp tục gây áp lực nợ vay lên doanh nghiệp.

CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) hiện đang vận hành 15 trạm thuộc 4 dự án BOT gồm: (1) Hầm đường bộ Đèo Cả; (2) Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; (3) Hầm Phước Tường - Phú Gia; (4) Dự án mở rộng Quốc lộ 1A tỉnh Khánh Hòa.

Tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp có khoản nợ phải trả lên đến 28.066 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 19.970 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay đè nặng lên kết quả kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, HHV phải trả 403 tỷ đồng chi phí lãi vay, chiếm 26% tổng doanh thu. Từ đó, lãi ròng còn 244 tỷ đồng, biên lãi ròng đạt 16%.

Theo VNDirect Research, nợ vay lớn xuất phát từ đặc thù của ngành. Dòng tiền của các dự án BOT thường yếu trong những năm đầu vận hành và sẽ dần được cải thiện trong những năm tiếp theo, do: (1) tổng mức đầu tư ban đầu lớn; (2) lưu lượng giao thông qua trạm thu phí còn thấp trong thời gian đầu vận hành khi thói quen di chuyển chưa thay đổi và (3) các dự án thường sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao (khoảng 70 - 80%).

VNDirect: Vỡ phương án tài chính tại BOT La Sơn - Tuý Loan và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo gánh nặng nợ vay cho Đèo Cả
Ảnh minh họa

Vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp chịu gánh nặng nợ vay

Theo phương án tài chính được chủ đầu tư và Chính phủ ký kết, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án BOT thường là 11 - 12%. Theo luật PPP, trường hợp doanh thu cao/thấp hơn 25% so với phương án tài chính, chủ đầu tư sẽ được quyền đàm phán với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh thời gian thu phí theo lưu lượng và doanh thu thực tế nhằm đảm bảo IRR như cam kết.

Đối với trường hợp vỡ phương án tài chính khiến dự án không có khả năng hoàn vốn, Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng cách mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án BOT nào được phê duyệt mua lại, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng sẽ yêu cầu ngân hàng chia sẻ khó khăn thông qua việc giãn, hoãn trả nợ vay và nợ gốc.

Hiện tại, Đèo Cả có 2 dự án vỡ phương án tài chính là Hầm đường bộ qua Đèo Cả và Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

VNDirect: Vỡ phương án tài chính tại BOT La Sơn - Tuý Loan và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo gánh nặng nợ vay cho Đèo Cả
Đầu tư một nơi, thu phí một nơi, BOT La Sơn - Túy Loan vấp phải sự phản ứng từ người dân

Cụ thể, Hầm đường bộ qua Đèo Cả được phép vận hành 7 trạm BOT, bao gồm: Đèo Cả, Ninh Lộc, An Dân, Cù Mông, Bắc Hải Vân và La Sơn - Tuý Loan. Tuy nhiên, trạm La Sơn - Tuý Loan đã không được tiến hành thu phí như kế hoạch do gặp sự phản đối của người dân địa phương (đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đã được hoàn thành theo hình thức đầu tư BT trước đó nhưng lại được sử dụng trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả). Kết quả là doanh thu thu phí của cả dự án chỉ đạt 994 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt phương án tài chính.

Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan nhằm hoàn vốn cho HHV. Tuy nhiên thời gian thanh toán cụ thể vẫn chưa được xác định.

Bên cạnh đó, dự án vẫn chưa nhận được 1.180 tỷ đồng trong tổng số 5.048 tỷ đồng nguồn vốn Nhà nước cam kết góp vào dự án, làm tăng gánh nặng nợ vay. VNDirect Research kỳ vọng HHV sẽ nhận được khoản tiền này vào quý IV/2024 thay vì trong giai đoạn năm 2025 - 2027.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng không được thu phí tại trạm thu phí Km93+160 trên Quốc lộ 1. Doanh thu thu phí của dự án chỉ đạt 286 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt phương án tài chính. Mặc dù dự án đã được chấp thuận kéo dài thời gian thu phí thêm 4 năm, đến năm 2048, áp lực dòng tiền trong ngắn hạn vẫn là khá lớn. Một giải pháp từng được bàn bạc là Vietinbank sẽ hạ lãi suất cho vay, HHV sẽ phải chấp nhận mức ROE cam kết ở mức thấp hơn, đạt 11% thay vì 11,5% và Chính phủ sẽ giải ngân khoảng 4.500 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho dự án. Tuy nhiên, kết luận cụ thể vẫn chưa được đưa ra.

>> Đèo Cả (HHV) bơm thêm vốn cho dự án cao tốc 14.300 tỷ đồng nối Cao Bằng - Lạng Sơn

Diễn biến mới tại dự án cao tốc 25.000 tỷ đồng đẹp nhất Việt Nam do Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư

Novaland (NVL) giảm vốn, nhận lại tiền từ công ty đang đề xuất làm đại dự án rộng 580ha tại Đồng Tháp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vndirect-vo-phuong-an-tai-chinh-tai-bot-la-son-tuy-loan-va-cao-toc-bac-giang-lang-son-tao-ganh-nang-no-vay-cho-deo-ca-254293.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VNDirect: Vỡ phương án tài chính tại BOT La Sơn - Tuý Loan và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tạo gánh nặng nợ vay cho Đèo Cả
    POWERED BY ONECMS & INTECH