Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh miền Tây này sẽ là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.
Có thêm thành phố mới và trở thành cửa ngõ kết nối với Campuchia
Ngày 19/1, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch nêu, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Với dân số đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, đặc biệt là kinh tế biên mậu; là cửa ngõ kết nối, giao thương hàng hóa với Campuchia và các nước tiểu vùng sông MeKong.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn tỉnh An Giang sẽ có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại 1; 1 đô thị loại 2; 2 đô thị loại 3; 12 đô thị loại 4 và 11 đô thị loại 5. Trong đó, thị xã Tân Châu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc…
"Tượng Phật ngồi thiền, khắc vào vách đá" cao nhất thế giới
Nằm trong vùng Thất Sơn nổi tiếng của đất An Giang, núi Sam cao chừng 284m so với mực nước biển và mang một vẻ đẹp hoang sơ. Đây là cao điểm chiến lược có thể quan sát, kiểm soát cả một vùng biên giới rộng lớn từ TP. Châu Đốc đến tận tuyến biên giới Tịnh Biên, từ cánh đồng vùng Thất Sơn qua huyện Châu Phú.
Năm 2018, núi Sam là 1 trong 37 điểm ở An Giang được công nhận Khu du lịch Quốc gia với quần thể di tích lịch sử văn hóa, được xếp hạng như miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang...
Trong đó, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Năm 2001, lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia. Năm 2014, lễ hội tiếp tục được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hiện nay, lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bên cạnh đó, đến núi Sam hiện nay, du khách còn được chiêm ngưỡng thêm công trình Phật giáo được khắc trực tiếp vào vách núi. Cụ thể, tượng Phật Thích Ca tọa thiền cao 81m được khởi công từ tháng 3/2015. Bức tượng đặt trang trọng ở vị trí trung tâm quần thể tượng trong khuôn viên rộng 5.500m2, tổng kinh phí xây dựng khoảng 255 tỷ đồng. Chi phí xây dựng tượng Phật được trích từ nguồn vốn Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và kêu gọi các nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.
Sau khi hoàn thành, đây là "tượng Phật ngồi thiền, khắc vào vách đá" cao nhất thế giới. Hiện tại, tượng Phật khắc vào vách núi cao nhất thế giới 71m tại Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Vách núi trước đây vốn là nơi khai thác đá nên điêu khắc tượng Phật sẽ tôn tạo cảnh quan thêm mỹ quan và phát triển du lịch. Dự kiến vào năm 2025, công trình tượng Phật sẽ hoàn thành. Hiện tượng Phật đã hoàn thiện được phần thân trên, riêng phần chân và tòa sen đang tiếp tục được điêu khắc hoàn thiện.
Tỉnh miền Tây non xanh nước biếc và mùa lúa chín
An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, một phần trong vùng tứ giác Long Xuyên. Tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Đường biên giới dài gần 100km giáp Campuchia.
Từ tháng 3 đến tháng 5, An Giang trong mùa nắng khô ráo. Nếu muốn ngắm thảm bèo cũng như thế giới tự nhiên xanh mát ở rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi, bạn nên đi vào tháng 10 và 11. Cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vào mùa gặt ở Tà Pạ.
Vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch là thời gian diễn ra hai lễ hội lớn gồm hội bà Chúa Xứ núi Sam (23-27/4 âm lịch) và lễ hội đua bò cuối tháng 8. Các tháng 7 - 8 có mưa khá nhiều nên bạn cần mang theo ô và trang phục phù hợp.
Các điểm tham quan đẹp ở An Giang cách xa nhau. Sau đây là các điểm đến gợi ý cho du khách khám phá:
Chợ nổi Long Xuyên
Nằm gần trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi có từ xa xưa vẫn còn giữ nguyên nếp sinh hoạt. Du khách có thể thuê thuyền để khám phá chợ, thưởng thức bữa sáng trên sông.
Rừng tràm Trà Sư
Đây là một trong những rừng tràm lớn và đẹp nhất miền Tây. Trải nghiệm thú vị ở rừng tràm là đi thuyền xuyên rừng được phủ xanh hút tầm mắt bởi thảm thực vật.
Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)
Tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, ngôi chùa có kiến trúc Á Đông được xây thành nhiều lầu, có màu sơn đỏ và nét trang trí tạo vẻ cổ kính.
Núi Sam
Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền...
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam nhưng giàu thứ 6 cả nước, từng được tỷ phú Bill Gates ghé thăm