Tỉnh dự kiến lên TP trực thuộc Trung ương sau sáp nhập khởi công nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô gần 1.500 tỷ
Dự án được triển khai trên diện tích 15,6ha, tọa lạc tại các lô CN7A, CN7B, CN8, CN9A và CN9B thuộc Cụm công nghiệp Văn Phong, thị trấn Nho Quan.
Ngày 8/5, tại Cụm công nghiệp Văn Phong (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Công ty TNHH Công nghệ BEI KE YUAN (BKY) phối hợp cùng Công ty TNHH Thiên Phú tổ chức lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghệ cao.
Dự án được triển khai trên diện tích 15,6ha, tọa lạc tại các lô CN7A, CN7B, CN8, CN9A và CN9B thuộc Cụm công nghiệp Văn Phong, thị trấn Nho Quan - khu vực đang có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 1.391 tỷ đồng, dự án được tài trợ từ nguồn vốn góp của nhà đầu tư và các nguồn hợp pháp khác.

Đây không chỉ là nhà máy sản xuất đơn thuần, mà còn là trung tâm công nghệ cao tích hợp nhiều lĩnh vực sản xuất gắn liền với xu thế công nghiệp hiện đại.
Theo thiết kế, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như phụ tùng ô tô, linh kiện và phụ kiện điện tử, thiết bị bán dẫn và hệ thống xử lý môi trường.
Ngoài ra, dự án còn cung cấp dịch vụ cho thuê nhà xưởng, đáp ứng nhu cầu mở rộng của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ BEI KE YUAN cho biết, quá trình xây dựng sẽ kéo dài khoảng 2 năm, nhà máy dự kiến đi vào vận hành từ quý I/2027. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra hàng trăm việc làm chất lượng cao cho người dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - công nghiệp của huyện Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Phát biểu tại lễ khởi công, lãnh đạo BEI KE YUAN nhấn mạnh, Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt nhờ vào mạng lưới hiệp định thương mại tự do đã ký kết với nhiều đối tác lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... mang lại lợi thế xuất khẩu đáng kể cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư trong nước cũng không ngừng được cải thiện nhờ các nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ. “Các thủ tục đăng ký, cấp phép và hỗ trợ đầu tư hiện nay đã trở nên nhanh chóng, minh bạch và thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ngoài các yếu tố vĩ mô, vị trí chiến lược của Ninh Bình nằm gần các trung tâm sản xuất lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa cũng là lợi thế lớn.
Đặc biệt, sự hiện diện của nhiều nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn tại khu vực, trong đó có đối tác chiến lược của BKY, là lý do then chốt giúp doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào đây. Việc đặt nhà máy gần đối tác sẽ giúp tối ưu chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, danh mục các tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 bao gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg mới đây, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó.
Như vậy, 4 tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn tiếp tục định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương.
>> Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có khu đô thị sân golf hơn 300ha, quy mô dân số gần 12.000 người