Tỉnh miền Trung tăng trưởng cao thứ 2 cả nước, thu ngân sách lọt top 10
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Bắc Giang (13,85%)
Trong năm 2024, mặc dù còn phải đối diện với nhiều thách thức, kinh tế tỉnh Thanh Hóa vẫn ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, ghi nhận tăng 25,9% so với cùng kỳ và vượt 52,8% dự toán, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này đã giúp Thanh Hóa đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Thanh Hóa năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Bắc Giang (13,85%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 của địa phương này ước tăng 19,25%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch và tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%;...
Ngoài ra, hoạt động du lịch của địa phương cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, tăng 22,5% và vượt 10,9% kế hoạch.
Trong đó, lượng khách quốc tế ghi nhận tăng 16,7%, ước đạt 719 nghìn lượt. Nhờ lương khách tăng nên tổng thu du lịch của địa phương cũng tăng 38%, vượt 4,4% kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tính đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và bằng 71,3% kế hoạch.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, những vấn đề khác như văn hóa – xã hội; quốc phòng – an ninh; sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính;... tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thi cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức cần khắc phục như: ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch hoặc giảm so với cùng kỳ; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu;...
Để địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, một số nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra để triển khai thực hiện trong năm 2025 như: thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống thuộc lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội;...
Thanh Hóa là tỉnh ven biển cực bắc vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung của Việt Nam. Địa phương này là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục;... Đồng thời, Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc Việt Nam.
>>Tỉnh sắp lên Thành phố trực thuộc Trung ương lập kỷ lục về tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua
Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 500 nghìn tỷ đồng
Du lịch Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024: Thu 758 nghìn tỷ đồng