Tỉnh nhỏ nhất ở Tây Nguyên: Diện tích gấp 9 lần Singapore, từng chịu nhiều xáo trộn ranh giới địa lý do vị trí đặc biệt
Địa phương này từng là một phần của tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk, đến nay tái thành lập được 21 năm.
Nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, trên cao nguyên M'Nông, tỉnh Đắk Nông là vùng đất có lịch sử lâu đời, từng là nơi sinh sống của các dân tộc bản địa như M'Nông, Mạ, Ê Đê... theo hình thức cộng đồng thị tộc và bộ lạc. Tỉnh có độ cao trung bình từ 600-700m, có nơi lên tới 1.970m so với mực nước biển.
Do vị trí chiến lược nằm ở ngã ba Đông Dương, trong lịch sử, Đắk Nông từng là tâm điểm của các cuộc tranh chấp giữa các thế lực xâm lược và tộc người bản địa. Vì vậy, vùng đất này luôn chịu sự xáo trộn về ranh giới địa lý hành chính. Từ năm 1893, triều đình nhà Nguyễn đã phải để Pháp toàn quyền kiểm soát vùng cao nguyên Trung phần, trong đó có Đắk Nông. Tại đây, chính quyền thực dân dần thiết lập hệ thống cai trị, tập trung ở Đắk Mil và Đắk Song.

Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Đắk Nông là vùng địch tạm chiếm nhưng nhân dân các dân tộc vẫn kiên cường bám đất, đi theo cách mạng. Tới năm 1959, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Quảng Đức - tiền thân của Đắk Nông ngày nay, gồm các quận Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và khu hành chính Đức Xuyên. Trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh Quảng Đức được sáp nhập, chia tách nhiều lần để phù hợp với yêu cầu chiến lược.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào Đắk Lắk.
Đến ngày 1/1/2004, Đắk Nông chính thức được tái lập theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội, trở thành tỉnh riêng biệt với hệ thống hành chính gồm 8 đơn vị cấp huyện (1 thành phố và 7 huyện), 71 đơn vị cấp xã. Đây cũng là tỉnh có diện tích nhỏ nhất khu vực Tây Nguyên với 6.509km2 và gấp gần 9 lần diện tích của quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á là Singapore (khoảng 719km2).

Trong những năm gần đây, Đắk Nông đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, tỉnh hoàn thành và vượt 8/11 chỉ tiêu đề ra, với 3 chỉ tiêu dù chưa đạt kế hoạch nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) đạt 4,87%, trong đó: nông - lâm nghiệp tăng 5,34%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,41%; dịch vụ tăng 4,54%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,66 triệu đồng, vượt 12,81 triệu đồng so với kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19.030 tỷ đồng, tương đương 95% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước đạt 3.070 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhựa hóa chung toàn tỉnh đạt 72,5%, vượt kế hoạch, cho thấy nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 26,2%, tuy thấp hơn kỳ vọng nhưng phản ánh xu hướng dịch chuyển dân cư và mở rộng đô thị. Tỷ lệ đáp ứng nước tưới cho diện tích có nhu cầu đạt 84%, đạt mục tiêu đề ra.
Đắk Nông nằm trên trục giao thông kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, sở hữu vị trí chiến lược trong các hành lang phát triển như tuyến Quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 28, Quốc lộ 14C... Đây là lợi thế lớn trong giao thương, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa nông sản, khoáng sản và công nghiệp phụ trợ.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến đầu tư vào các tuyến đường kết nối nội vùng và liên kết vùng như: Nâng cấp Quốc lộ 28 đi Lâm Đồng, mở rộng Quốc lộ 14C giáp Campuchia, phát triển hệ thống logistics gắn với cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để Đắk Nông thu hút vốn đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh cũng như của khu vực Tây Nguyên.
Cao tốc hơn 43.000 tỷ nối Bình Định tới TP lớn thứ 2 Tây Nguyên có diễn biến mới
Cao tốc hơn 35.000 tỷ kết nối Quảng Ngãi với tỉnh lớn thứ tư Tây Nguyên đón tin vui