Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam đẩy nhanh tiến độ loạt dự án hạ tầng quan trọng, gỡ vướng 2 bệnh viện nghìn tỷ Bạch Mai và Việt Đức bỏ hoang hơn chục năm
Việc hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội lớn tại tỉnh Hà Nam đang được đẩy nhanh tiến độ.
Hà Nam - tỉnh giáp ranh với Thủ đô Hà Nội hiện triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội quan trọng với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tỉnh đang tập trung giải quyết những vướng mắc để sớm đưa cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức vào hoạt động.
Về hạ tầng giao thông, tỉnh Hà Nam đang tích cực triển khai dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A tới cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua nút giao Liêm Sơn, đi qua huyện Bình Lục, và kết nối các tuyến Quốc lộ 21A, 21B, đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình. Dự án trị giá 3.600 tỷ đồng, thực hiện từ 2022 - 2025, do ngân sách Trung ương và địa phương cùng hỗ trợ, nhằm kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (Nam Định).
Phối cảnh nút giao Phú Thứ. Ảnh: Vinaconex |
Ngoài ra, tỉnh đang đẩy nhanh hoàn thành nút giao Phú Thứ, công trình quan trọng giúp mở rộng tuyến giao thông Đông - Tây, cân bằng phát triển giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Khi hoàn thành, nút giao sẽ kết nối các tuyến đường từ cao tốc Bắc - Nam và Vành đai 5 vào khu trung tâm hành chính mới phía Bắc Phủ Lý.
Theo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam sẽ có 4 tuyến cao tốc, bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình), Phủ Lý - Nam Định, Hưng Yên - Thái Bình và Vành đai 5 vùng Thủ đô. Đặc biệt, Vành đai 5 có chiều dài 273km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, đi qua 8 địa phương và dự kiến xây dựng trước năm 2027, góp phần thúc đẩy giao thương trong toàn vùng.
>> Thủ tướng nói về 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 bị bỏ hoang sau 10 năm khởi công
Cùng với các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hiện nay cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Hà Nam đang được nghiên cứu phương án giải quyết các vướng mắc để sớm đi vào hoạt động, phục vụ người dân.
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau 10 năm khởi công. Ảnh: Hồng Quang |
Hai cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP. Phủ Lý, Hà Nam được kỳ vọng là các bệnh viện hiện đại bậc nhất, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án khởi công từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng gặp nhiều trở ngại, phải tạm dừng từ giữa năm 2020.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường bệnh, diện tích sàn 118.941m2, tổng vốn đầu tư 4.990 tỷ đồng. Tương tự, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng có 1.000 giường bệnh, diện tích sàn 117.714m2, vốn đầu tư 4.968 tỷ đồng. Tháng 10/2018, khu khám bệnh của cả hai bệnh viện đã khánh thành; khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai hoạt động từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020. Sau đó, khu vực này được sử dụng làm khu cách ly tập trung trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên 861,93km2, là tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam (sau tỉnh Bắc Ninh với diện tích 822,71km2). Theo Quy hoạch, đến năm 2050, tỉnh Hà Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng. |
>> Bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất Việt Nam thêm diện tích, tăng khả năng khám chữa bệnh
Từ bây giờ, Bệnh viện Bạch Mai chính thức triển khai bệnh án điện tử sau 4 tháng thí điểm
Bệnh viện đa khoa hạng I duy nhất của tỉnh ở Tây Nguyên được đầu tư gần 300 tỷ để ‘lên đời’