Tỉnh có 2 sân bay sẽ lên TP trực thuộc Trung ương, tận dụng lợi thế lớn nhất Việt Nam để hình thành đô thị đẳng cấp quốc tế
Quy hoạch của tỉnh sẽ định hướng trở thành TP trực thuộc Trung ương và tận dụng những lợi thế lớn về hạ tầng để phát triển, hình thành các khu đô thị đẳng cấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại với tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Với lợi thế về hạ tầng đang có, tỉnh hướng đến phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh với đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế.
Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại và đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế.
Từ nay đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai sẽ khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay. Tỉnh sẽ xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon, đồng thời tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Với vùng Đông Nam Bộ, tỉnh sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, là nơi đào tạo chuyên sâu khi sở hữu các tổ hợp giáo dục, đào tạo.
Về du lịch, với lợi thế về giao thông hàng không, Đồng Nai sẽ triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai.
>> Chung cư cao cấp trên dưới 80 triệu đồng/m2 là tương lai của địa ốc Thủ đô
Về công nghiệp, tỉnh thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm có giá trị gia tăng cao để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nhóm sản phẩm mũi nhọn được chú trọng phát triển gồm: Công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin...
Đồng Nai với lợi thế sân bay Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, cảng biển Phước An sẽ là động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách.
Hiện tại, Đồng Nai đang là địa phương được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bậc nhất cả nước. Trong đó, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai đúng kế hoạch. Khi đi vào khai thác năm 2026, đây sẽ là sân bay lớn nhất tại Việt Nam và đem lại lợi thế phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh cũng như khu vực. Hạ tầng giao thông khác như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 - TP. HCM cũng đang được triển khai để đồng bộ kết nối giao thông, giao thương, phục vụ cho sân bay Long Thành khi đi vào khai thác.