Tổ hợp thương mại dịch vụ hơn 200 tỷ nằm bên bờ 'trái tim' thành phố ít dân nhất Việt Nam vẫn án binh bất động sau nhiều năm
Dù nằm ở vị trí đắc địa ven sông Hương – nơi được ví như “trái tim” của TP. Huế, dự án tổ hợp thương mại dịch vụ hơn 200 tỷ đồng tại số 243 Nguyễn Sinh Cung vẫn trong tình trạng dang dở, bỏ hoang sau hơn 6 năm kể từ ngày khởi công.
Khởi động từ năm 2018, dự án tổ hợp thương mại dịch vụ tại số 243 Nguyễn Sinh Cung (phường Phú Thượng, TP. Huế) từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn mới bên bờ sông Hương. Tuy nhiên, sau nhiều năm dang dở và dù đã được gia hạn tiến độ, đến nay công trình vẫn “án binh bất động”, trở thành một “vết gợn” giữa bức tranh đô thị trung tâm của thành phố.
Dự án do Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á làm chủ đầu tư, được UBND TP. Huế phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ cuối năm 2018. Đây là khu đất từng là nơi đặt Nhà máy Bia Huda – biểu tượng công nghiệp quen thuộc của người dân xứ Huế.

Theo hồ sơ phê duyệt, dự án có tổng diện tích hơn 12.080m2, thời hạn thuê đất 50 năm với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành trong vòng 24 tháng và đưa vào vận hành từ đầu năm 2021. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những lý do nội tại, dự án đã ngừng thi công từ năm 2020 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu tái khởi động, dù đã được gia hạn thêm 24 tháng kể từ tháng 1/2024.
Thông tin từ báo Tiền Phong, ghi nhận thực tế tại công trình cho thấy, phần thô của khu nhà 4 tầng cùng một khối công trình nhỏ đã được xây dựng từ trước năm 2020 nhưng nay xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong, gạch đá, sắt thép vương vãi, nước đọng nhiều tầng, các cấu kiện bê tông hoen gỉ theo thời gian. Bao quanh công trình là lớp tôn rào chắn cao kín, che khuất toàn bộ khu đất rộng lớn giờ um tùm cỏ dại và cây bụi.

Người dân sống gần công trình chia sẻ, dự án được cấp phép từ nhiều năm trước, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thi công. Khu đất này nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Sinh Cung có đông người dân qua lại. Người dân kiến nghị nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án góp phần thay đổi diện mạo khu vực ven sông Hương, thúc đẩy hoạt động kinh doanh - dịch vụ và du lịch tại địa phương.
Không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, sự “bất động” kéo dài của dự án này khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực thực hiện và trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong khi TP. Huế đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc thu hút đầu tư sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025, những “điểm nghẽn” như vậy có thể làm giảm sút niềm tin của thị trường.
Trước tình trạng chậm trễ kéo dài, Sở Tài chính TP. Huế cho biết đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát tiến độ sử dụng đất. Nếu đến hạn mà nhà đầu tư vẫn không hoàn thành dự án, đơn vị sẽ báo cáo UBND thành phố, đồng thời đề xuất giao Sở Nông nghiệp và Môi trường xử lý theo quy định pháp luật về đất đai.
Về phía Sở Xây dựng TP. Huế, đơn vị này cho hay đã nhiều lần yêu cầu Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư theo cam kết. Trong trường hợp tiếp tục chậm trễ sau thời gian gia hạn, Sở sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật xây dựng.

Cũng tại cùng khu vực này, Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á còn trúng đấu giá thêm một khu đất rộng 1.000m2 mặt nước sông Hương để làm bến thuyền du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục nào.
Việc xử lý dứt điểm những dự án treo, nhất là những công trình quy mô lớn, vị trí đắc địa như tổ hợp thương mại tại số 243 Nguyễn Sinh Cung là điều cần thiết để lấy lại niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch về các đô thị trung tâm giàu tiềm năng như Huế, việc tạo lập một môi trường đầu tư nghiêm túc, minh bạch và hiệu quả sẽ là “chìa khóa” để thành phố không bỏ lỡ cơ hội phát triển sau khi chính thức “nâng hạng” hành chính.
Bài toán xử lý các dự án chậm tiến độ không chỉ nằm ở việc thúc ép chủ đầu tư, mà còn là lời cam kết của chính quyền TP. Huế trong hành trình xây dựng đô thị xanh – sạch – sáng xứng tầm trung tâm mới của miền Trung.
Ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc. Trong đợt điều chỉnh này, có 4 thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sáp nhập, gồm TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ và TP. Đà Nẵng.
Đáng chú ý, TP. Hà Nội và TP. Huế là hai thành phố duy nhất không nằm trong diện sáp nhập, vẫn giữ nguyên hiện trạng hành chính như trước.
Sau sáp nhập, TP. HCM trở thành địa phương đông dân nhất cả nước với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, nhờ việc hợp nhất với hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Trong khi đó, TP. Huế với dân số hơn 1,4 triệu người và mật độ khoảng 289 người/km2 trở thành thành phố ít dân nhất Việt Nam.
Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam sắp có khu nhà ở - dịch vụ gần 150ha
Tái khởi động dự án trung tâm thương mại hơn 30.000m2 ngay đất vàng Thủ đô sau nhiều năm ‘đắp chiếu’