Với diện tích mặt sàn 660.000m2, tòa nhà này đã vượt qua Lầu Năm Góc ở Mỹ để thiết lập kỷ lục là toà nhà văn phòng lớn nhất thế giới.
Theo CNN, thành phố Surat ở bang Gujarat, Ấn Độ, cách Mumbai 240km về phía bắc, là nơi xử lý 90% kim cương trên thế giới. Tại đây có tòa nhà Surat Diamond Bourse khai trương năm 2023 được xem là toà nhà văn phòng lớn nhất thế giới. Trước đó, kỷ lục này do Lầu Năm Góc của Mỹ nắm giữ suốt 80 năm.
Với 9 cấu trúc hình chữ nhật nối tiếp và kết nối thông qua "cột sống" ở trung tâm, khu phức hợp này bao gồm 15 tầng và được xây dựng trên diện tích hơn 14ha, phục vụ mọi nhu cầu của hơn 65.000 chuyên gia kim cương, bao gồm thợ cắt, thợ đánh bóng và các nhà giao dịch
Toàn bộ khu nhà văn phòng này trải dài trên 660.000m2 diện tích sàn (lớn hơn diện tích sàn của Lầu Năm Góc), bao gồm khoảng 4.700 văn phòng và 131 thang máy. Quá trình xây dựng kéo dài hơn 4 năm và tốn kém 388 triệu USD. Khu phức hợp này là một phần của Dự án Thành phố Nghiên cứu và Buôn bán Kim cương (DREAM) do chính quyền bang Gujarat triển khai.
Theo Mahesh Gadhavi, Giám đốc điều hành của dự án, Surat Diamond Bourse sẽ giúp hàng nghìn người không cần phải di chuyển đến Mumbai bằng tàu hỏa để làm ăn, kinh doanh. Vallabhbhai Patel, Chủ tịch của Surat Diamond Bourse, cũng cho biết rằng tòa nhà dự kiến sẽ đạt doanh thu hàng năm lên đến 27 tỷ USD.
Tòa nhà được thiết kế bởi công ty kiến trúc Ấn Độ Morphogenesis sau một cuộc thi thiết kế quốc tế. Theo Morphogenesis, cách bố trí của khu phức hợp tạo ra một "sân chơi công bằng" cho cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Với các văn phòng được kết nối với nhau thông qua một hành lang trung tâm dài - một thiết kế gợi nhớ đến nhà ga sân bay, nhân viên làm việc tại đây có thể tiếp cận các tiện nghi và cơ sở hạ tầng một cách thuận tiện và đồng đều.
Không có văn phòng nào mất hơn 7 phút đi bộ từ bất kỳ cửa nào của tòa nhà. Morphogenesis cũng nghiên cứu cách mà giao dịch kim cương diễn ra ở Ấn Độ để thiết kế tòa nhà. Tổng cộng có 9 sân nhỏ rộng 0,6ha, được trang bị ghế ngồi và vòi phun nước, có thể được sử dụng như điểm gặp gỡ cho các nhà giao dịch.
Morphogenesis cũng khẳng định rằng thiết kế của họ tiêu thụ năng lượng ít hơn 50% so với mức tối đa cho phép để đạt được xếp hạng "bạch kim" từ Hội đồng Công trình Xanh Ấn Độ. Các kiến trúc sư cho biết, hình dạng phồng ra của cột sống trung tâm được thiết kế để tạo ra luồng không khí tự nhiên đi qua cấu trúc, trong khi hệ thống làm mát bằng bức xạ truyền dẫn nước lạnh dưới sàn nhà để giảm nhiệt độ bên trong tòa nhà.
Mặc dù các văn phòng riêng lẻ vẫn sử dụng hệ thống điều hòa truyền thống, nhà sáng lập Sonali Rastogi của Morphogenesis ước tính khoảng một nửa diện tích của tòa nhà được làm mát bằng thông khí tự nhiên, trong khi các khu vực chung sử dụng năng lượng Mặt Trời.