Trước những cáo buộc từ phía các nước phương Tây cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang là nguyên nhân gây lạm phát toàn cầu, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng chính những hành động sai lầm của G7 mới là nguyên nhân gây ra hậu quả này.
G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nga từng là thành viên nhóm này nhưng hồi năm 2014.
Trong lúc tiếp tục gây áp lực đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây trải qua đợt lạm phát tăng đột biến. Tại Mỹ, lạm phát tăng 8,6%, trong khi tại Anh, lạm phát là 9,1% và ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc những khó khăn kinh tế ở Mỹ và châu Âu bắt nguồn từ chiến dịch quân sự của Nga, cho rằng lạm phát là kết quả từ "sự tăng giá của Putin".
Trong khi đó, Tổng thống Nga cho rằng thương mại toàn cầu đang "sa lầy trong tranh chấp", với hệ thống tài chính thế giới đang căng thẳng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
"Lạm phát tăng mạnh không phải mới xảy ra hôm qua. Đó là hệ quả từ chính sách kinh tế vĩ mô vô trách nhiệm trong nhiều năm qua của các nước G7", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp BRICS Plus diễn ra theo hình thức trực tuyến hôm 24/6.
Về những lo ngại xung quanh nguồn cung cấp ngũ cốc của Ukraine, ông Putin nói rằng những lo lắng này đang bị thổi phồng và Nga không gây ra bất kỳ trở ngại nào đối với việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.
"Chúng tôi chắc chắn sẵn sàng tiếp tục thực hiện một cách thiện chí tất cả nghĩa vụ theo hợp đồng về việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, phân bón, vận chuyển năng lượng và các sản phẩm quan trọng khác", ông cho hay.
Tổng thống Nga đồng thời lưu ý một số quốc gia đang cố chuyển đổi cấu trúc an ninh toàn cầu tập trung quanh Liên Hợp Quốc sang cái gọi là "trật tự dựa trên các quy tắc". "Những quy tắc nào? Ai đã đặt ra những quy tắc đó?", ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS kéo dài hai ngày do Trung Quốc đăng cai bắt đầu hôm 23/6 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhất của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil và Nam Phi