Những năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM (bao gồm thị trường quyền sử dụng đất) biểu hiện ngày một rõ nét sự lệch pha cung - cầu, lệch pha sản phẩm.
Sự lệch pha thể hiện ở sự dư thừa căn hộ cao cấp và thiếu trầm trọng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Đây là kết quả báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2021, xu hướng năm 2022 của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA).
Cụ thể, trong tổng số nhà ở dự án trong giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 58.241 căn (chiếm tỷ lệ 37,2% trong tổng số nhà ở dự án), căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m2) có 69.899 căn (tỷ lệ 44,6%), căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ có 28.295 căn (tỷ lệ 18%).
Đáng báo động, từ năm 2020, tỷ lệ căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh, chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường TP. HCM.
Năm 2021, trong tổng số 14.443 căn, không còn căn hộ bình dân (tỷ lệ 0%) và ngược lại, có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang (tỷ lệ 73,98%), còn lại là nhà ở trung cấp (tỷ lệ 26,02%).
Theo một số chuyên gia bất động sản, giá trị của một bất động sản không được thiết lập bằng công thức giá bán bằng giá đầu vào cộng với biên độ lợi nhuận như trước nữa, mà được tính toán dựa trên vị trí và giá trị có thể mang lại trong tương lai. Chính vì vậy, cùng một phân khúc nhưng các dự án bán sau thường có giá bán cao hơn giá bán trước. Việc chủ đầu tư đưa ra giá bán cao là để bù đắp cho lạm phát, giá nguyên vật liệu và nhân công tăng…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết thêm, hiện nay nhu cầu sở hữu bất động sản cao cấp là có, nhưng nguồn cung hạn hẹp nên chủ đầu tư đẩy giá “leo thang” kỳ vọng biên độ lợi nhuận 30 - 40% thay vì 15% như trước. Điều này đang đe dọa đà tăng trưởng của những năm tiếp theo.