Bất động sản

Chỉ hơn một tháng nữa, huyện rộng nhất Việt Nam sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính

Hải Đăng 17/05/2025 04:09

Sau khi Hiến pháp được thay đổi, 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước sẽ chính thức ngừng hoạt động, trong đó 508 huyện.

Hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện dự kiến sẽ chấm dứt từ ngày 1/7/2025 sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chính thức có hiệu lực thi hành.

Mới đây trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.

Theo như Tờ trình số 2174 ngày 8/5/2025 của Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố xây dựng 3.193 phương án sắp xếp 9.907 ĐVHC cấp xã để hình thành 3.193 ĐVHC cấp xã mới, giảm 6.714 đơn vị.

Hiện nay Việt Nam có 696 đơn vị hành chính cấp huyện trong đó gồm 85 thành phố thuộc tỉnh, 2 TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, 52 thị xã, 49 quận và 508 huyện.

>> Chỉ hơn một tháng nữa, huyện đảo xa nhất Việt Nam sẽ bị xóa danh xưng cấp huyện trên bản đồ, trở thành đặc khu quan trọng của cả nước

Chỉ hơn một tháng nữa, huyện rộng nhất Việt Nam sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính- Ảnh 1.
Một góc huyện Tương Dương khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ buộc hoàn tất toàn bộ quy trình và bàn giao trong vòng 15 ngày sau khi luật có hiệu lực.

Trong tổng số 508 huyện buộc dừng hoạt động, có huyện sở hữu diện tích lớn nhất Việt Nam, thậm chí lớn hơn 3 tỉnh cộng lại.

Dù sở hữu diện tích hơn 2.811km2 - được xem là địa phương có diện tích lớn nhất tỉnh Nghệ An và lớn nhất Việt Nam nhưng Tương Dương cũng là địa phương thuộc 62 huyện nghèo nhất cả nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, huyện Tương Dương sở hữu diện tích lớn hơn 20 tỉnh/thành cả nước như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ.

Chỉ hơn một tháng nữa, huyện rộng nhất Việt Nam sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính- Ảnh 2.
Huyện Tương Dương hiện là huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Diện tích của huyện Tương Dương rộng hơn 3 tỉnh gồm Hưng Yên, Hà Nam và Bắc Ninh cộng lại. Từ TP. Vinh ngượcvề Quốc lộ 7, huyện Tương Dương hiện ra nổi bật với cánh rừng săng lẻ đẹp như tranh vẽ.

Nơi đây nằm ở vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, khởi nguồn của dòng sông Cả với hệ thống sông suối dày đặc.

Dù sở hữu điều đặc biệt nhưng Tương Dương vẫn là huyện nghèo của tỉnh Nghệ An và là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước.

Năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương ước đạt 6.193 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 7,7%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38,4 triệu đồng.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân nhưng kết quả này vẫn khá khiêm tốn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến cho biết Tương Dương là huyện rộng nhất cả nước, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ hơn một tháng nữa, huyện rộng nhất Việt Nam sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính- Ảnh 3.
Nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Ảnh: Internet

Với khoảng 93% diện tích là rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) có quỹ đất nông nghiệp và đất bằng tương đối hạn chế, lại phân bố manh mún, gây khó khăn cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Đây cũng là một trong những rào cản lớn trong thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Là huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, cách xa trung tâm tỉnh lỵ, Tương Dương không chỉ đối mặt với thách thức về hạ tầng giao thông kết nối, mà còn là một trong những địa phương có mật độ dân số thấp nhất cả nước, với hơn 83.000 người phân bố trên địa bàn rộng lớn.

Khoảng 90% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu tại các khu vực miền núi cao, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 2 dân tộc đặc biệt ít người là Ơ Đu và Tày Poọng. Trình độ dân trí và khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật của một bộ phận người dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc ứng dụng các mô hình sản xuất mới.

Thời điểm hiện tại huyện vẫn còn nhiều xã vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở. Có những xã phải mất hơn 3 giờ di chuyển bằng đường bộ kết hợp đường thủy xuyên qua lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mới tiếp cận được trung tâm xã. Đây là những địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt trong đầu tư hạ tầng và dịch vụ thiết yếu.

Tương Dương hiện có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1 thị trấn và 16 xã, là địa phương có vị trí chiến lược với đường biên giới dài 57,93km tiếp giáp nước bạn Lào, đồng thời tiếp giáp các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn và Quế Phong của tỉnh Nghệ An.

Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu và Tày Poọng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn bản sắc dân tộc thiểu số.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính, nếu được thực hiện, sẽ đặt dấu chấm hết cho tư cách đơn vị hành chính cấp huyện của Tương Dương – một địa danh từng là "nóc nhà" miền Tây Nghệ An với chiều sâu lịch sử, văn hóa và bản sắc cộng đồng độc đáo.

Trong dòng chảy của quá trình tái cấu trúc bộ máy hành chính nhằm tinh gọn, hiệu quả, điều quan trọng là không để những vùng đất như Tương Dương trở thành "vùng trũng" của sự lãng quên.

Bởi hơn cả một địa giới, Tương Dương là nơi kết tinh của những giá trị sinh tồn, bản lĩnh và sự bền bỉ của hàng vạn con người sống giữa đại ngàn – những người đang cần một chiến lược phát triển dài hơi nhằm khai thác tối đa tiềm lực vốn có.

Việc thay đổi tên gọi có thể là cần thiết, nhưng những chính sách cho vùng đất này về hạ tầng, giáo dục, sinh kế và văn hóa thì tuyệt đối không thể thay thế bằng sự im lặng.

>> Chỉ nửa tháng nữa, cây cầu lớn nhất trên tuyến vành đai hơn 75.000 tỷ nối nhịp 2 tỉnh giàu có của Việt Nam sẽ thông xe

Cây cầu dây văng lớn nhất TP. HCM, mở cơ hội kết nối tới khu đô thị lấn biển của Vingroup sẽ khởi công trong năm nay

‘Vua hài đất Bắc’ xây dựng lại căn nhà ‘chôn rau cắt rốn’ bên trong biệt phủ rộng 5.000m2

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/chi-hon-mot-thang-nua-huyen-rong-nhat-viet-nam-se-bi-xoa-ten-khoi-ban-do-hanh-chinh-202250516154449891.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ hơn một tháng nữa, huyện rộng nhất Việt Nam sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính
    POWERED BY ONECMS & INTECH