TP.HCM: Không để công chức có doanh nghiệp 'sân sau', 'thân hữu'
UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giám sát công chức, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc “thân hữu”, gây bất bình đẳng.
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch "Cải thiện, khắc phục và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2023".
Theo kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu khắc phục ngay các điểm yếu kém, cải thiện và nâng cao các chỉ số thành phần của PCI trong năm 2023, tạo thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của địa phương, và đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phấn đấu đưa TP.HCM vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế ở nhóm tốt.
UBND TP.HCM bàn giải pháp thực hiện cải cách ở 10 chỉ số: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và vai trò người đứng đầu, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Trong đó, UBND thành phố giao thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận/ huyện, thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị.
Đồng thời, tăng cường đối thoại để khảo sát sự hài lòng của người dân, có giải pháp khắc phục kịp thời, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hạn. Không để tổ chức, cá nhân đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ; 100% trường hợp hồ sơ trễ hẹn đều có văn bản nêu rõ lý do, xin lỗi tổ chức, cá nhân và hẹn lại ngày trả kết quả theo quy định.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, quán triệt trách nhiệm của công chức, viên chức trong xử lý, giải quyết công việc, không đùn đẩy, né tránh công việc, không để xảy ra tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hạn theo quy định.
"Trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách hoặc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tuyệt đối không được yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài quy định của nhà nước", bản kế hoạch lưu ý.
Đáng chú ý, đối với chỉ số cạnh tranh bình đẳng, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giám sát công chức trong thực thi công vụ, không để xảy ra hiện tượng công chức có doanh nghiệp “sân sau” hoặc doanh nghiệp “thân hữu”, gây bất bình đẳng trong giải quyết công việc.
Các đơn vị phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật; công bố kịp thời các thông tin về các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.
Doanh nghiệp tại Đồng Nai 'chơi lớn', chi 500 tỷ đồng thưởng Tết cho người lao động
Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí 56 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu