TP trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam xây dựng thương hiệu ‘Thành phố Lễ hội’
Thành phố này sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cùng 13 lễ hội.
Mới đây, UBND TP. Hạ Long đã phê duyệt đề án “Hạ Long - Thành phố Lễ hội” với mục tiêu từng bước xây dựng và nâng cao thương hiệu cho các lễ hội văn hoá - du lịch đặc sắc của thành phố.
>> ‘Nhẹ gánh’ nợ nần, sức sống đang trở lại với Novaland?
Theo đề án, thành phố sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, đồng thời nâng cấp một số lễ hội tiêu biểu để tổ chức thường niên ở quy mô cấp thành phố. Một số lễ hội truyền thống có giá trị sẽ được phục dựng và tổ chức lại. Thành phố cũng sẽ huy động các nguồn lực tài trợ và xã hội hóa để tổ chức các sự kiện và lễ hội.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ duy trì và điều chỉnh thời gian tổ chức các lễ hội, sự kiện hiện có để đảm bảo có hoạt động văn hóa quanh năm, đặc biệt là trong các mùa thấp điểm của du lịch.
Đồng thời, các lễ hội và sự kiện sẽ được tổ chức phù hợp với nhu cầu của người dân và nguồn lực của thành phố, nhằm nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng. Mục tiêu là biến hoạt động lễ hội và sự kiện thành những hoạt động văn hóa - du lịch thường niên, đồng thời quảng bá hình ảnh của Hạ Long và Quảng Ninh đến du khách.
Hạ Long là thành phố nổi bật với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và độc đáo, bao gồm 96 di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng và 13 lễ hội truyền thống lẫn hiện đại. Đặc biệt là vịnh Hạ Long, nơi từng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới ba lần, một trong những niềm tự hào lớn của thành phố.
Trong những năm qua, Hạ Long đã đầu tư công sức và nguồn lực để tổ chức các lễ hội truyền thống một cách quy mô và bài bản. Những sự kiện này không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa và con người của vùng đất di sản mà còn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch mỗi khi diễn ra.
Nổi bật trong số các lễ hội là Carnaval Hạ Long, một trong những sự kiện du lịch hấp dẫn nhất vào mỗi dịp hè. Lễ hội đường phố này được duy trì và phát triển qua nhiều năm với những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc và công phu. Carnaval Hạ Long không chỉ tạo nên sự tươi mới mà còn để lại ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của Hạ Long trong lòng du khách.
Được biết, từ năm 2025, TP. Hạ Long dự kiến phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống như Lễ mừng cơm mới của người Tày ở xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, và Lễ hội chùa Long Tiên.
Cùng đó, một số lễ hội truyền thống sẽ được nâng cấp quy mô như Hội làng Bằng Cả và Lễ hội đền Vua Lê Thái Tổ. Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vào năm 2025 và Lễ hội đền Vua Lê Thái Tổ vào năm 2027.
Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tổ chức một số lễ hội và sự kiện văn hóa - du lịch mới, bao gồm Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống, Lễ hội hoa anh đào và Tuần văn hóa Nhật Bản, Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn, ....
Hạ Long là một trong những thành phố lớn của Việt Nam, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về cả kinh tế và du lịch. Với diện tích lớn nhất trong số các thành phố trực thuộc tỉnh, Hạ Long sở hữu tổng diện tích đất liền lên đến 1.119,36km² và diện tích mặt nước là 126,8km². Thành phố này còn có gần 50km đường bờ biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch biển và phát triển kinh tế biển.
Dòng tiền đang 'chảy' vào phân khúc bất động sản nào nhiều nhất?
Bệnh viện tuyến Trung ương quy mô 300 giường ở ngoại thành Hà Nội sắp được đưa vào sử dụng