Chuyên gia đưa ra một số chính sách để Việt Nam có thể thoát khỏi danh sách này.
Báo cáo tiền tệ bán niên của Bộ Tài chính Mỹ cho giai đoạn 4 quý kết thúc vào tháng 6/2023 cho thấy Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, và Đài Loan nằm trong danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ.
Các quốc gia này đã vượt 2 trong 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt 3% GDP và mua ròng ngoại hối kéo dài và vượt 2% GDP trong giai đoạn 1 năm.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam trở lại danh sách giám sát vì thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu tăng lên 4.7% GDP trong giai đoạn giám sát. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong vài năm gần đây khi các công ty chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thụy Sỹ và Hàn Quốc được loại ra khỏi danh sách giám sát vì chỉ vi phạm 1 tiêu chí trong 2 giai đoạn giám sát liên tiếp.
Trước tình trạng này, đa phần các chuyên gia đều cho rằng chưa có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam và có thể đưa ra một số chính sách để thoát khỏi danh sách này.
Cải thiện xuất nhập khẩu
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Mỹ đưa Việt nam vào danh sách giám sát tiền tệ, sẽ tạo ra một số vấn đề khó khăn hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Về phía Mỹ, phải xem xét nhiều yếu tố, mới đưa một quốc gia vào danh sách giám sát hay thao túng tiền tệ. Nếu một quốc gia có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ lớn thì họ sẽ xem xét, và dĩ nhiên còn nhiều yếu tố nữa để đưa ra quyết định.
Rõ ràng, khi bị đưa vào danh sách giám sát tiền tệ sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Mỹ sẽ xem xét kỹ hơn các điều kiện xuất khẩu. Việc ký kết hợp tác toàn diện với Mỹ sẽ có tác động tốt đến xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng ít, vì thế cho nên thặng dư thương mại lớn dần dần và Mỹ đã có cơ chế chính sách, khi thặng dư thương mại đến mức nào đó, sẽ đưa vào kiểm tra giám sát kỹ hơn. Đây là điều mà Việt Nam cần phải cải thiện trong cán cân thương mại.
Còn đối với thao túng tiền tệ, trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có giải thích với các đối tác. Về cơ bản, Việt Nam đang giữ ổn định, chứ không phải phá giá VND, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Để cải thiện và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát tiền tệ, vấn đề quan trọng là xuất nhập khẩu. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ rất mạnh, nhưng nhập khẩu lại ít. Vì thế, cho nên cán cân thương mại của Việt Nam quá lớn, do đó cần xem xét các mặt hàng nhập khẩu nào của Mỹ phù hợp với lợi ích kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ cao, vì Mỹ là quốc gia có công nghệ nguồn trong máy móc thiết bị.
Thúc đẩy tổng cầu sẽ có tác động kép với Việt Nam
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính cho rằng thực ra trước đây Việt Nam đã vào danh sách giám sát và sau đó được đưa ra khỏi danh sách. Vừa qua, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng khá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là tạm thời, vì hiện nay sức cầu trong nước tương đối yếu, nhập khẩu giảm mạnh, cho nên thặng dư thương mại tổng thể khá lớn.
Khi kinh tế phục hồi, thặng dư thương mại sẽ giảm xuống và Mỹ sẽ đưa Việt nam ra khỏi danh sách giám sát. Việc cân bằng cán cân thương mại rất khó, còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới, nếu đẩy mạnh tổng cầu, có thể giúp cho nhập khẩu nhiều hơn về máy móc, thiết bị… sẽ giúp cho thặng dư giảm xuống.
Việc thúc đẩy tổng cầu sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn và đồng thời được đưa ra khỏi danh sách giám sát tiền tệ.