Báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số tiêu dùng của người dân giảm đáng kể ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là bán lẻ trực tuyến trong tháng 4/2024.
Chi tiêu tiêu dùng là một trong các yếu tố tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia. Tiêu dùng vốn chiếm hơn 66% hoạt động kinh tế ở Mỹ, tăng trưởng hằng năm ở mức 3,3%, trong đó điều chỉnh tăng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ.
Trong ước tính thứ ba về tăng trưởng kinh tế quý IV/2023, GDP của Mỹ đã tăng 3,4% - cao hơn so với mức 3,2% được báo cáo trước đó. Tuy nhiên quý I năm nay con số này đã chậm lại đáng kể do tác động của lạm phát và lãi suất neo cao.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ vào quý I nhưng gần như đi ngang và giảm trong tháng 4 |
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ trong tháng 4 gần như đi ngang so với số liệu tháng 3. Số liệu của FactSet cho thấy chi tiêu tháng 4 không đạt được mức tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đã dự đoán (các số liệu được điều chỉnh theo sự thay đổi theo mùa chứ không phải theo lạm phát, do đó loại bỏ vấn đề thống kê sai lệch).
Để so sánh, một năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3%. Loại bỏ doanh số bán ô tô, doanh số bán lẻ tháng 4 đã tăng 0,2% trong tháng trước, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Trong CPI của Mỹ, mức tăng chi tiêu hàng tháng lớn nhất là tại các trạm xăng, nơi doanh số bán hàng trong tháng 4 tăng 3,1% so với tháng 3. Đó có thể là kết quả của việc giá xăng tăng vọt trong 2 tháng trước do những biến động trên thị trường thế giới và xung đột tại Trung Đông. Tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng xăng dầu đã hạ nhiệt nhanh trong những tuần gần đây.
Chi tiêu cũng cao hơn đối với các sản phẩm thường ngày như: các cửa hàng quần áo và phụ kiện (tăng 1,6%), cửa hàng thực phẩm và đồ uống (tăng 0,8%) cũng như tại các nhà hàng và quán bar (tăng 0,2%).
Hầu hết các khu vực hàng hóa khác đều cho thấy mức chi tiêu giảm. Doanh số đi xuống nhiều nhất là bán lẻ trực tuyến, giảm 1,2% cho đến cuối tháng 4. Đây thực sự là một dấu hiệu tiêu cực khi doanh số bán hàng trực tuyến đóng góp lớn vào chỉ số tiêu dùng của người Mỹ, đặc biệt trong các tháng quý I/ 2024.
Người tiêu dùng căng thẳng về tài chính, lo lắng về suy thoái kinh tế
Báo cáo bán lẻ ngày 15/5 là một bằng chứng khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chững lại giữa lạm phát cao, gây nên những xì xào về nguy cơ rơi vào “đình lạm” (stagflation - kinh tế trì trệ và lạm phát cao dai dẳng cùng lúc).
Bà Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Công ty quản lý tài sản Principal, cho biết trong một ghi chú ngày 15/5: “Nhưng nếu điều đó chuyển sang tình trạng suy thoái sâu hơn, nó có thể báo trước một số vấn đề kinh tế mà thị trường sẽ không hoan nghênh”. Tuy nhiên, hiện tại, bà cho biết báo cáo doanh số bán lẻ giảm sẽ thúc đẩy Fed cân nhắc việc cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp sắp tới.
Lạm phát cao khiến nhiều người Mỹ chật vật với chi phí sinh hoạt thường ngày |
Dữ liệu doanh số bán lẻ yếu hơn nhiều so với dự kiến được đưa ra khi tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này tăng lên 3,9% vào tháng trước do tốc độ tuyển dụng chậm lại. Ngoài ra, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu gần đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Nhà kinh tế cấp cao Lydia Boussour của EY cho biết trong một ghi chú ngày 15/5 rằng thị trường lao động suy yếu đang khiến người tiêu dùng trở nên “thận trọng hơn”.
Theo dữ liệu công bố đầu tuần này của Fed New York, người tiêu dùng cũng đang gánh nhiều khoản nợ hơn để hỗ trợ chi tiêu nhưng ngày càng nhiều người không thanh toán đúng hạn. Đáng chú ý, tỷ lệ số dư thẻ tín dụng bị quá hạn nghiêm trọng (trễ 90 ngày trở lên) tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012.