Quốc tế

Thảm cảnh của Gen Z ở cường quốc số 1 thế giới: Nợ tín dụng ngập đầu, ra trường đi làm quần quật nhưng mãi không trả xong nợ sinh viên

Vũ Bấc 10/05/2024 - 10:49

Thanh niên nước Mỹ sử dụng thẻ tín dụng và các khoản vay để trang trải cuộc sống và trả học phí, do bộ máy tài chính hay do tiêu dùng xa xỉ?

Theo một báo cáo từ Văn phòng tín dụng TransUnion, người tiêu dùng Gen Z (từ 22 đến 24 tuổi) ở Mỹ có mức nợ và tỷ lệ nợ quá hạn - từ thẻ tín dụng đến các khoản thế chấp và khoản vay sinh viên - cao hơn nhiều so với thế hệ Millennials ở cùng độ tuổi một thập kỷ trước.

Tuy vậy, trên thực tế số dư thẻ tín dụng trung bình của Gen Z là 2.834 USD vào năm 2023, cao hơn 26% so với số dư mà thế hệ Millennials có ở cùng độ tuổi vào năm 2013 (sau khi điều chỉnh theo lạm phát). Vậy vì đâu mà người trẻ hiện nay phải gánh nợ tràn lan?

Thảm cảnh của Gen Z ở cường quốc số 1 thế giới: Nợ tín dụng ngập đầu, ra trường đi làm quần quật nhưng mãi không trả xong nợ sinh viên
Quản lý tài chính là kĩ năng mà người trẻ ở bất kì xã hội nào cũng nên có

Nhiều người lớn tuổi chỉ trích thanh niên ngày nay thích mua sắm hay tiêu tiền cho những thứ xa hoa “nho nhỏ” như vé concert, các vật phẩm gắn với các ngôi sao giải trí, hay trang sức. Nhưng thống kê dữ liệu CPI của Mỹ cho thấy những thứ đó không phải là lí do chính khiến thế hệ Gen Z lún sâu vào vòng xoáy nợ nần.

Cuộc suy thoái kép do đại dịch gây ra và lạm phát gia tăng nhanh chóng như một “cú knock-out” vào sức khỏe tài chính của những thanh thiếu niên chỉ vừa mới vào đời kiếm sống. Giá thuê nhà cao kỷ lục cũng khiến giới trẻ chật vật, dù nhận mức lương cao và thị trường việc làm rộng mở cũng không khiến họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc “trả bằng thẻ - tính lãi tháng”.

Charlie Wise, phó Chủ tịch cấp cao của TransUnion, nhận xét về tình hình: “Chi tiêu tổng thể [của đối tượng nằm trong độ tuổi 22 - 24] rất mạnh và tiền lương không theo kịp. Đặc biệt là tiền thuê nhà thực sự đang lấy đi một phần lớn, bên cạnh đó là ‘chi tiêu vặt’ như tiền ăn ngoài, tiền thuê xe cũng ngốn gần hết thu nhập”.

Ở Việt Nam, tín dụng học tập không phổ biến như các chương trình vay sinh viên ở Mỹ. Do đó, nhiều người có thể không tưởng tượng được việc vay nợ để học đại học và rồi phải làm việc cật lực mà vẫn phải mất đến 10, 20 năm mới trả xong. Vấn đề nợ sinh viên được coi là 1 cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang quá rối ren để có thể tìm và thử nghiệm các giải pháp.

Trên đường vận động tranh cử năm 2020, Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ "xóa ngay lập tức khoản nợ sinh viên tối thiểu 10.000 USD cho mỗi người" nếu trúng cử. Lời hứa suông đó dường như đã phát huy tác dụng lần đầu tiên khi ông chiếm được 65% phiếu bầu của Thế hệ Z , cao hơn so với 31% của người tiền nhiệm Donald Trump. Khi các khoản nợ này được cho vay bởi chính quyền, các vấn đề giảm hay xóa nợ còn trở nên phức tạp hơn khi bất kỳ chính sách nào cũng sẽ liên quan tới cân đối ngân sách và chi tiêu của Chính phủ Liên bang.

Tình trạng “nặng nợ vô hình” này sẽ còn tồi tệ hơn nếu người trẻ đột nhiên mất việc, từ đó giảm điểm tín dụng, không sử dụng được thẻ vay nợ và phải sống dựa vào sự giúp đỡ của gia đình. Theo các nghiên cứu kinh tế, những người này thường phải trì hoãn các cột mốc quan trọng trong cuộc đời, bao gồm cả việc mua nhà và tiến tới hôn nhân.

Cơ chế tính điểm tín dụng

Khi nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch, năm 2021, nhiều công ty tín dụng đã nới lỏng điều kiện tín dụng và thành công thu hút nhiều người mở thẻ. Những cô cậu Gen Z mới bước qua tuổi 18, hồ hới với đồng tiền mình mới vừa kiếm được, đã mở hạn mức thẻ tín dụng nhanh chóng hơn nhiều so với các anh chị của mình.

Những người trẻ cũng được hưởng lợi từ việc tăng điểm tín dụng trong thời kỳ đại dịch. Điều này cũng dễ hiểu: trong thời gian giãn cách xã hội, người ta ít cơ hội tiêu tiền hơn và kiểm soát tình trạng tài chính và chủ động chi trả các hóa đơn của mình trước khi bị ngân hàng nhắc nhở.

Nhưng khi lãi suất tăng cao, trong 2 năm qua, điểm tín dụng trung bình của người Mỹ sụt giảm nhanh chóng. Có tới gần 70% những người trong độ tuổi 20 có điểm tín dụng trên 720 bị giảm 24 điểm trong khoảng thời gian này.

Thảm cảnh của Gen Z ở cường quốc số 1 thế giới: Nợ tín dụng ngập đầu, ra trường đi làm quần quật nhưng mãi không trả xong nợ sinh viên
Số liệu thống kê của Experian cho thấy mức điểm tín dụng trung bình của Gen Z là 679 điểm. Số nợ thẻ tín dụng trung bình là 2854 USD và nợ sinh viên trung bình là 20468 USD vào quý I năm 2024

Đôi khi điểm tín dụng bị sụt giảm vì những lí do rất “trời ơi đất hỡi” của tuổi trẻ. Trong cuộc nói chuyện với báo Wall Street Journal, cô Emma Goodness, 21 tuổi, một người được ủy quyền sử dụng thẻ American Express của mẹ từ năm 16 tuổi và biết lên kế hoạch tài chính từ tuổi thiểu niên đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Ngay khi tốt nghiệp trung học, cô Goodness đã có điểm tín dụng 745 và đủ điều kiện nhận thẻ tín dụng với hạn mức 2.500 USD. Cô giữ phần lớn số tiền kiếm được từ công việc làm thêm khi đang học Đại học Tulane ở New Orleans, cùng với số tiền cha mẹ cô gửi cho cô trong tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.

Như bao người dùng thẻ khác, cô cài đặt thẻ tín dụng để tự động khấu trừ từ tài khoản séc của mình. Tháng trước, cô quên chuyển tiền từ khoản tiết kiệm của mình và lỡ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Đến nay, tài khoản của cô đang gánh nợ và lãi ít hơn 200 USD. Đây là lần thứ hai trong năm, cô gái trẻ “lỡ” rơi vào tình trạng tương tự.

“Tất nhiên, việc này cũng làm giảm điểm tín dụng, từ bây giờ tôi phải cực kỳ để ý đến chi tiêu của mình” - Emma chia sẻ.

>> Chủ tịch Hạ viện Mỹ vượt qua nỗ lực phế truất

'Thảm cảnh' của người trẻ tại siêu cường châu Á: Lương thấp dù tốt nghiệp trường xịn, U40 vẫn 'ăn bám' bố mẹ vì không mua nổi nhà

Thảm cảnh của những 'người khốn khổ' chiếm tới 1/3 số hộ gia đình Mỹ: Không đủ tiền để sống qua ngày, lúc nào cũng nhẵn túi nhưng lại không đủ nghèo để nhận trợ cấp

'Nỗi buồn' Gen Z Trung Quốc: Ở nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tiền ăn phải tính sao không quá 350 nghìn, 'quà vặt' cũng phải chờ giảm giá mới mua

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tham-canh-cua-gen-z-o-cuong-quoc-so-1-the-gioi-no-tin-dung-ngap-dau-ra-truong-di-lam-quan-quat-nhung-mai-khong-tra-xong-no-sinh-vien-234210.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thảm cảnh của Gen Z ở cường quốc số 1 thế giới: Nợ tín dụng ngập đầu, ra trường đi làm quần quật nhưng mãi không trả xong nợ sinh viên
POWERED BY ONECMS & INTECH