Bất động sản

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Giải pháp nào cho bài toán chống lãng phí tài sản công?

Thanh Sơn 27/04/2025 06:05

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi trụ sở cũ thành nhà công vụ được xem là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với xây dựng mới.

Ưu tiên xã hội hóa tài sản công

Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2025 quy định, tỉnh được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính mới sẽ có trách nhiệm bố trí ngân sách để sửa chữa, nâng cấp trụ sở, đồng thời đảm bảo nhà ở công vụ và phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định của Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý đối với trụ sở, tài sản công sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập; chuyển nhiệm vụ từ cơ quan đơn vị này sang cơ quan đơn vị khác hoặc giải thể.

>> Chỉ 3 tháng nữa, TP duy nhất ở nơi từng là kinh đô Nhà nước đầu tiên của Việt Nam dự kiến bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Giải pháp nào cho bài toán chống lãng phí tài sản công?- Ảnh 1.
Các trụ sở dôi dư sau sáp nhập được đề xuất thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh minh họa

Trong đó, liên quan đến vấn đề sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Công sản (Bộ Tài chính) cho biết sẽ ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng.

Cùng với đó, sẽ thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Giải pháp nào cho bài toán chống lãng phí tài sản công?- Ảnh 2.
Các trụ sở dôi dư sẽ được ưu tiên một số cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho những mục đích công cộng của địa phương. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho rằng đối với những trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp sẽ được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, ưu tiên một số cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho những mục đích công cộng của địa phương.

Đối với các cơ sở nhà/đất còn lại sẽ được thu hồi để giao cho các tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh của địa phương quản lý, khai thác quản lý nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; đồng thời đảm bảo, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị cho thuê nhà gắn với đất...; tiến hành giao cho tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo đúng quy định của pháp luật.

Chia sẻ trên báo Xây Dựng, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, việc sắp xếp, bố trí nhà ở cho đội ngũ cán bộ, công chức đã có chủ trương rõ ràng, hoàn toàn có thể triển khai bằng cách chuyển đổi công năng các công sở cũ – những nơi chịu ảnh hưởng từ quá trình sắp xếp lại bộ máy – thành nhà công vụ phục vụ cán bộ làm việc tại các khu hành chính mới.

Đánh giá các đề xuất hiện tại của một số địa phương, như phương án tổ chức đưa đón cán bộ hàng ngày, TS.KTS Phan Đăng Sơn nhận định đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, phù hợp trong giai đoạn đầu khi hạ tầng chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, về lâu dài, ông nhấn mạnh cần tập trung vào phương án bố trí nhà công vụ tại chỗ cho cán bộ đang công tác tại cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ngành.

Việc bố trí chỗ ở gần nơi làm việc không chỉ góp phần đảm bảo hiệu quả công tác, tiết kiệm chi phí di chuyển mà còn giúp cán bộ duy trì sức khỏe, tinh thần ổn định.

Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, mô hình này cho phép cán bộ sinh hoạt tập trung tại nơi công tác trong tuần, chỉ trở về địa phương vào cuối tuần hoặc dịp lễ, đồng thời giải quyết căn cơ bài toán nhà ở và tổ chức đời sống cho lực lượng cán bộ tỉnh, thành.

Đây là nhiệm vụ cấp thiết mà các địa phương cần chủ động hoạch định, đưa vào chương trình phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bộ máy hành chính, hướng tới một nền công vụ hiệu quả, hiện đại.

Theo thống kê đến cuối năm 2024, cả nước ghi nhận tổng cộng 11.034 cơ sở nhà, đất đang rơi vào tình trạng không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích. Phần lớn số cơ sở này là các điểm trường, trạm y tế nằm tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và những địa bàn còn nhiều khó khăn.

Tình trạng dư thừa này không chỉ gây lãng phí nguồn lực nhà nước mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc rà soát, điều chuyển, hoặc khai thác, sử dụng lại một cách hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của từng địa phương.

>> Chậm nhất 2 năm nữa, sân bay quốc tế gần 30.000 tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sẽ có tuyến đường nhanh thẳng, đẹp nhất đến Thủ đô Hà Nội

Kể từ nay, người dân mua bán đất không sổ đỏ sẽ bị phạt rất nặng

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam có thêm một khu du lịch biển, góp sức vào kế hoạch thu về nghìn tỷ cho địa phương

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-giai-phap-nao-cho-bai-toan-chong-lang-phi-tai-san-cong-2022504261921049.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Giải pháp nào cho bài toán chống lãng phí tài sản công?
    POWERED BY ONECMS & INTECH