Trung Quốc ‘bắt bài’ Mỹ: Ra mắt kính thông minh AI riêng, đa dạng ứng dụng mà lại nhẹ và rẻ hơn
Kính thông minh AI đang trở thành ‘cơn sốt’ mới nhất của các công ty Trung Quốc.
SCMP cho hay, kính mắt trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng công nghệ thông minh mới nhất của các công ty Trung Quốc, giúp họ đua nhau kiếm lời từ người tiêu dùng sau khi Ray-Ban tạo cơn sốt với kính thông minh kết hợp cùng Meta.
Một trong những công ty mới nhất tham gia thị trường là công ty khởi nghiệp Superhexa do Xiaomi hậu thuẫn, công ty này đã ra mắt kính âm thanh AI Jiehuan trong tháng này.
So với các sản phẩm ở nước ngoài có giá hơn 300 USD, kính Jiehuan được bán với giá chỉ 699 NDT (98 USD).
Tuy nhiên, về mặt chức năng, chúng tương tự như các sản phẩm của đối thủ khi cung cấp quyền truy cập nhanh vào các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - công nghệ hỗ trợ các chatbot thông minh như ChatGPT - thông qua việc sử dụng loa và micro tích hợp.
Sự phát triển nhanh chóng của AI trong vài năm qua đã giúp nâng cấp đáng kể kính thông minh, thúc đẩy sự quan tâm đến thiết bị này bằng cách cho phép người dùng truy vấn LLM ngay lập tức về môi trường xung quanh hoặc dịch các cuộc trò chuyện theo thời gian thực.
Ray-Ban và Meta là những công ty hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này kể từ khi bổ sung khả năng AI vào kính thông minh có gắn camera trị giá 300 USD vào năm ngoái.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc hiện đang tìm cách cung cấp chức năng tương tự như kính Ray-Ban, nhưng với chi phí thấp hơn nhiều.
Theo Superhexa, kính Jiehuan nặng chỉ 30g có thể phát nhạc tới 11 tiếng và thời gian sạc sẽ cách nhau đến nửa tháng. Các tính năng khác bao gồm điều hướng bằng giọng nói, trò chuyện AI và dịch âm thanh.
Từ tháng 4 - tháng 5 năm nay, nhiều công ty khởi nghiệp bao gồm Liweike (Hàng Châu) và Sharge (Thâm Quyến), cùng với các ông lớn công nghệ như Huawei, đều liên tiếp ra mắt kính AI của riêng họ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng thị trường này có thể bị hạn chế về không gian phát triển.
Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn thị trường Counterpoint, nhận định rằng những người dùng ban đầu có thể bị thu hút bởi sự mới lạ, nhưng những người không cần đeo kính sẽ không muốn đeo chúng mọi lúc, đặc biệt là khi các thành phần điện tử trong kính thông minh khiến nó nặng hơn.
Vì vậy, các nhà sản xuất sẽ cần "cắt giảm thêm trọng lượng, cải thiện trải nghiệm đeo và thời lượng pin" để tiếp tục phát triển, ông lưu ý.
Một số công ty kính thông minh hiện cũng đang ưu tiên kiểu dáng và trọng lượng hơn. Công ty Solos đặt mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với Ray-Ban và Meta vào mùa thu năm nay với một cặp kính thông minh AirGo mới có gắn camera.
Cặp kính sẽ nặng 30g, nhẹ hơn kính Ray-Ban và có giá tương đương. Kính AirGo 3 hiện tại không được gắn camera có giá khởi điểm là 250 USD.
Even Realities, một công ty khởi nghiệp mới thành lập được 1 năm, đã bắt đầu giao những chiếc kính G1 mới nhất của mình ra quốc tế vào ngày 22/8. Những chiếc kính này, sở hữu màn hình LED siêu nhỏ trên tròng kính nhưng không có loa, có giá khởi điểm là 600 USD.
Một công ty khác là Brilliant Labs năm nay vừa ra mắt kính thông minh Frame với giá 350 USD. Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Bobak Tavangar hy vọng phương pháp tiếp cận nguồn mở của công ty sẽ thúc đẩy việc áp dụng kính trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả doanh nghiệp.
Dù vậy, với mức giá cao hơn nhiều so với Superhexa, những công ty này chủ yếu nhắm đến các thị trường bên ngoài Trung Quốc - nơi quyền truy cập vào các mô hình AI quốc tế bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo SCMP