Trung Quốc chỉ trích cuộc điều tra chống trợ cấp với xe điện của EU
Liên quan đến việc EU điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Ngày 14/9 vừa qua, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích việc Ủy ban Châu Âu tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc với tư cách chủ nghĩa bảo hộ.
EU mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen mới đây đã tuyên bố điều tra, cáo buộc Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu với ô tô điện với mức giá “ảo” do trợ cấp lớn của Chính phủ quốc gia này.
Cuộc điều tra này có thể dẫn đến thuế quan trừng phạt. Các nhà phân tích cảnh báo về hành động trả đũa từ Bắc Kinh và khiếu nại từ các giám đốc điều hành ngành công nghiệp Trung Quốc, những người cho rằng lợi thế cạnh tranh của họ không phải do trợ cấp.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Cuộc điều tra là một hành động bảo hộ trắng trợn, sẽ phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả EU. Đồng thời, nó sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU”.
“Trung Quốc sẽ chú ý chặt chẽ đến xu hướng bảo hộ và các hành động tiếp theo của EU, đồng thời bảo vệ chắc chắn quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, tuyên bố nói thêm.
Các nhà phân tích của Eurasian Group cảnh báo rằng nếu Brussels (Bỉ) đánh thuế đối với xe điện được trợ cấp của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng các biện pháp đối phó để gây tổn hại cho các ngành công nghiệp châu Âu.
Việc áp thuế của Liên minh châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ thống nhất trong khối.
Pháp đã kêu gọi một cuộc điều tra như vậy trong nhiều tháng, một phần trong chiến dịch kéo dài nhiều năm của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm kêu gọi EU cứng rắn hơn trong thương mại và đòi hỏi một sân chơi bình đẳng.
Các nước EU khác cũng coi Trung Quốc là đối thủ hơn là đối tác và đồng ý rằng khối nên quyết đoán hơn.
Một thập kỷ trước, Đức cảnh giác với sự trả đũa, đã phản đối thuế quan đối với hàng nhập khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc, mở đường cho sự thỏa hiệp với Bắc Kinh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định ông hoan nghênh hành động mới nhất của EU.
Volker Treier, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) , cho biết: “Sự bóp méo cạnh tranh của Trung Quốc là một vấn đề đặc biệt mà châu Âu nên giải quyết, nhưng nếu có thể thì không nên thông qua các khoản trợ cấp quá mức hoặc các mức thuế trừng phạt mới”.
Ngành công nghiệp ô tô của Đức, nhận thức được rằng một cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
Mercedes Benz cho biết các biện pháp bảo hộ đã phản tác dụng và Bosch, nhà cung cấp ô tô lớn nhất thế giới, cho biết cuộc chạy đua về thuế quan trừng phạt và các rào cản thương mại sẽ chỉ gây tổn hại cho các công ty.
Tuy nhiên trong phản hồi đầu tiên về cuộc điều tra, hãng Stellantis cho biết họ hoan nghênh "sự cạnh tranh công bằng thúc đẩy sự đổi mới và hiệu suất trong toàn ngành của chúng tôi trên toàn cầu vì lợi ích của người dân và khách hàng của chúng tôi".
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc điều tra sẽ không gây rủi ro lớn cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vì họ có thể chuyển hướng sang các thị trường đang phát triển khác như Đông Nam Á.
Các nhà sản xuất đang tăng cường nỗ lực xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất sản xuất.
Trong phiên giao dịch ngày 14/9, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã giảm bớt khoản lỗ ban đầu, với BYD dẫn đầu thị trường đóng cửa giảm 1,2%. Các đối thủ nhỏ hơn Geely Auto và Nio lần lượt giảm 0,5% và 0,9%. Xpeng đảo ngược khoản lỗ để tăng 0,4%.
Cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của gã khổng lồ ô tô SAIC, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bán chạy nhất ở châu Âu, đóng cửa giảm 0,3%.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số chứng khoán khu vực đồng euro. BMW, Volkswagen, Mercedes và Stellantis giảm từ 0,7% đến 1,7% lúc vào phiên giao dịch tối 14/9.
Quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và EU
Được biết, cuộc điều tra do Ủy ban châu Âu khởi xướng một cách bất thường chứ không phải từ bất kỳ khiếu nại nào của ngành. Điều này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng giữa EU và Trung Quốc.
Mối quan hệ đã trở nên căng thẳng do mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow sau khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine và việc EU thúc đẩy ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cuộc điều tra về xe điện sẽ tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán trước Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU hàng năm. Theo đó, Giám đốc phụ trách thương mại của EU Valdis Dombrovskis sẽ tới Trung Quốc vào cuối tháng này.
Thị phần Trung Quốc tăng mạnh tại thị trường EU
Các quan chức EU tin rằng xe điện Trung Quốc đang hạ giá các mẫu xe địa phương khoảng 20% tại thị trường châu Âu, gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô tại đây trong việc sản xuất xe điện giá rẻ hơn.
Ủy ban châu Âu cho biết thị phần xe điện của Trung Quốc bán ở châu Âu đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu lâu đời phải đối mặt với cuộc chiến giảm giá. Tiêu biểu như hãng xe đình đám Volkswagen đang xem xét cắt giảm nhân sự tại nhà máy chạy hoàn toàn bằng điện ở miền Đông nước Đức vào thời gian tới.
Nước thành viên EU yêu cầu liên minh sẵn sàng gửi quân đến Ukraine
Ukraine hé lộ kế hoạch 10 điểm mới, Nga lên tiếng về vụ tên lửa ATACMS