Quốc tế

Trung Quốc 'đau đầu' khi gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy

Đăng Đức 04/06/2024 - 14:42

Tình trạng thất nghiệp ở sinh viên mới ra trường nói riêng và người trẻ tuổi nói chung đang trở thành vấn đề quốc gia nhức nhối cần sớm giải quyết của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc.

Gần 15% thanh niên Trung Quốc không có việc làm, nhiều người “kén cá chọn canh”

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc ngày càng cao đang trở thành một vấn đề cấp bách đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình tuần vừa qua đã nói với các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng đây phải là vấn đề cần giải quyết với "ưu tiên hàng đầu".

Nhiều nhà phân tích coi lời nói của vị lãnh đạo này là tín hiệu cho thấy các cải cách có thể được thực hiện trước Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 vào tháng 7, một cuộc họp sẽ tiết lộ những thay đổi quan trọng trong định hướng chính sách kinh tế của “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới”.

Trung Quốc 'đau đầu' gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy
Người tìm việc Trung Quốc tiếp cận gian hàng của một nhà tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 9/2 (Nguồn: Reuters)

Theo hãng thông tấn AFP, số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc ở mức 14,7% trong tháng 4. Vào tháng 6, khi 11,8 triệu sinh viên khác tốt nghiệp Đại học, tình trạng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.

Con số đó đã tăng vọt lên 21,3% chưa từng có vào giữa năm 2023, trước khi các quan chức Trung Quốc tạm dừng công bố số liệu hàng tháng về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Họ bắt đầu công khai lại số liệu này vào tháng 12 năm ngoái sau khi điều chỉnh phương pháp tính toán.

>> Rào cản tuổi tác khiến nhiều lao động trung niên thất nghiệp

Các công ty về khách sạn và nhân sự chiếm phần lớn ở một hội chợ việc làm vừa được tổ chức ở Thượng Hải. “Thật khó để tìm được một công việc phù hợp với trình độ và nguyện vọng của bạn”, một trong số ít người tìm việc trẻ tuổi tại hội chợ, một sinh viên ngành khoa học dữ liệu, chia sẻ với AFP.

Trung Quốc 'đau đầu' khi gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy
Không ít sinh viên Trung Quốc vừa tốt nghiệp Đại học đã muốn kiếm việc nhẹ, lương cao - Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)

Julia Shao, người đang tuyển dụng cho một chuỗi nhà hàng, cho biết về tình trạng “kén cá chọn canh” của nhiều sinh viên khi tìm việc dù chưa biết bản thân mình có đáp ứng được nhu cầu hay không: “Rất nhiều sinh viên Đại học thực sự có kỳ vọng quá cao. Họ không thích loại công việc ở vị trí cơ bản này. Họ thích một công việc mà mình ưa thích hơn".

Trung Quốc đang thay đổi chính sách

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình đặc biệt đề cập đến những sinh viên tốt nghiệp Đại học Cao đẳng trong bài phát biểu trước Bộ Chính trị ĐCSTQ hôm 27/5 và lưu ý rằng “cần tạo thêm nhiều việc làm để họ áp dụng những gì đã học và những gì họ thành thạo”. Theo ông, những người trẻ tuổi nên được khuyến khích “tìm việc làm hoặc khởi nghiệp trong các lĩnh vực (và) ngành công nghiệp then chốt”.

Bà Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, nói với AFP rằng nhận xét của ông diễn ra sau khi "một loạt quan chức Trung Quốc liên tục nhấn mạnh tính cấp bách” của vấn đề.

Vấn đề này đã được Chính phủ Trung Quốc “bỏ lửng” một thời gian. Cùng với khủng hoảng bất động sản kéo dài, tình trạng thất nghiệp được coi là thủ phạm chính dẫn đến sự phục hồi không đồng đều của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.

Trung Quốc 'đau đầu' gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy
Đông đảo sinh viên Trung Quốc tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc ngày 2/6/2024 (Nguồn: AFP)

Ông Harry Murphy Cruise của Moody's Analytics cho biết: “Mặc dù chi tiết trong các bình luận của ông Tập còn mơ hồ, rõ ràng là một sự thay đổi chính sách đang được tiến hành”.

“Chúng tôi kỳ vọng các chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên sẽ là trụ cột chính trong các cuộc thảo luận (tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 3).”

Ông kỳ vọng Chính phủ sẽ tăng trợ cấp lương để thuyết phục các công ty thuê những sinh viên mới tốt nghiệp, cũng như tạo thêm nhiều vị trí việc làm cho sinh viên.

>> 4 ngành nghề hot cần số lượng lớn nhân lực trong tương lai, điểm đầu vào ‘dễ thở’, lương thưởng hấp dẫn

Tuy nhiên, theo ông Murphy Cruise, đây chỉ là "giải pháp hỗ trợ" mang tính tình thế. Về lâu dài, cần phải có "những cải cách lớn hơn về chính sách công nghiệp và giáo dục" để đảm bảo sự phù hợp tốt hơn giữa kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và nhu cầu của người sử dụng lao động.

"Kỳ vọng thấp hơn"

Theo bà Erica Tay, khi cơ hội việc làm ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới đang dần cạn kiệt đối với những người có bằng xã hội học, báo chí và luật, sẽ cần đến một số "chương trình đào tạo kiếm tiền do Chính phủ tài trợ" để lấp đầy những vai trò có nhu cầu cao hơn.

Gần khoa luật của một trường đại học hàng đầu Thượng Hải, một sinh viên năm cuối cho biết thị trường việc làm tại Trung Quốc đang thực sự rất khó khăn.

Qian Le, 22 tuổi, nói: “Sau đại dịch Covid-19, mọi việc khó khăn hơn trước một chút”. Anh chàng sinh viên sắp ra trường này cũng đề cập đến tình trạng sa thải và cắt giảm lương gần đây tại các công ty luật hàng đầu Trung Quốc. Ngay cả những người đã có việc làm cũng có thể không giữ được việc, nên người mới có thể khó gia nhập hơn vào thị trường lao động”.

Qian và bạn cùng lớp, Wang Hui đều đã chọn theo đuổi việc học cao hơn. Wang nói với AFP: “Tình hình kinh tế khá trì trệ, nhiều công ty phá sản và nhiều việc làm bị cắt giảm”.

Trung Quốc 'đau đầu' khi gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy
Ngay cả những người đang có việc làm ổn định cũng có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào - Ảnh minh họa

Khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đã phát triển chậm lại đáng kể, một phần do các chính sách cứng rắn của Chính phủ đối với các công ty, bao gồm cả những “gã khổng lồ công nghệ” và các công ty tư nhân.

>> Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày

Nhiều người trẻ đang chọn học để thi công chức - được coi là một lựa chọn ổn định hơn - hoặc giống như Wang và Qian, lấy bằng Thạc sĩ sau Đại học.

Trong khi đó, bà Tay cho biết, vào tháng 3, các trường Đại học đã kêu gọi sinh viên tích cực tìm kiếm việc làm. Nhưng “sự cạnh tranh rất lớn và số lượng sinh viên Đại học đang tăng dần hàng năm”, Wang nói.

Karl Hu, một sinh viên luật khác, cho biết khó khăn không phải ở việc tìm việc làm. Anh chàng này giải thích vấn đề là phải tìm được “nghề phù hợp” về mức lương và phúc lợi. Bản thân Hu đã đảm bảo được một công việc tốt tại một ngân hàng, nhưng nhiều người sẽ phải “hạ thấp kỳ vọng của họ”.

>> Nghịch lý ở cường quốc số 1 thế giới: Thất nghiệp thấp kỷ lục, lương tăng nhưng người dân nợ nhiều, không dám chi tiêu

Một thứ của Trung Quốc có thể quyết định ai trở thành Tổng thống Mỹ năm nay, ông Trump lập tức hành động

Lập ‘nhóm lợi ích’ với thứ trưởng công an, quan tham Trung Quốc tiến thân vù vù

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-dau-dau-khi-gan-15-thanh-nien-that-nghiep-chuyen-gia-hien-ke-giai-nguy-237292.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc 'đau đầu' khi gần 15% thanh niên thất nghiệp, chuyên gia hiến kế giải nguy
POWERED BY ONECMS & INTECH