Trung Quốc tạo phép màu: Thiết bị chạy bằng công nghệ tên lửa cứu sống bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
Thiết bị này, được phát triển dựa trên công nghệ hàng không vũ trụ, đã mang đến hy vọng sống mới cho hàng trăm bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Li Haining từng đứng trước bờ vực tử thần vì bệnh tim nghiêm trọng, nhưng chỉ vài năm về trước, anh đã được trao một cơ hội mới.
Bệnh nhân 25 tuổi đến từ thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc) đã trải qua ca phẫu thuật cách đây 3 năm để cấy ghép một trái tim nhân tạo thay thế cho cơ quan nội tạng bị suy yếu của mình.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công và tình trạng của anh hiện đã cải thiện đáng kể, cho phép chàng trai này sống một cuộc sống bình thường với sự hỗ trợ của thiết bị y tế được cung cấp năng lượng bởi công nghệ hàng không vũ trụ.
Có tên gọi là HeartCon, trái tim nhân tạo này do Bệnh viện Tim mạch quốc tế TEDA và Học viện Công nghệ phóng tên lửa Trung Quốc (nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của nước này) đồng phát triển.
Trái tim hoạt động như một máy bơm đưa máu đến toàn bộ cơ thể, làm giảm đáng kể các triệu chứng suy tim. Các kỹ sư của dự án HeartCon cho biết thiết bị này hoạt động tương tự cơ chế điều khiển của tên lửa, được vận hành bởi một máy bơm thủy lực.
Năm 2022, thiết bị được thị trường phê duyệt và hiện đã cứu sống hơn 190 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối như Li.
Những bệnh nhân này sẽ đeo một bộ điều khiển nhỏ ở thắt lưng, có kích thước tương đương điện thoại di động. Thiết bị ghi lại nhiều dữ liệu khác nhau như tốc độ, lưu lượng, công suất và nhịp tim của máy bơm máu. Trong khi đó, một sợi dây mỏng kết nối với pin liên tục hỗ trợ bơm máu đến các cơ quan trên khắp cơ thể.
Li từng bị đổ mồ hôi lạnh và hay khó thở. Anh lo lắng chờ đợi được ghép tim, nhưng lại thiếu người hiến tặng. "Tôi đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", Li nói, nhớ lại những ngày trước ca phẫu thuật cấy ghép của mình vào tháng 5/2021.
Theo CGTN, có ít nhất 16 triệu người ở Trung Quốc đang mắc bệnh suy tim. Tuy nhiên, tình trạng thiếu người hiến tặng và thuốc hiệu quả đặt ra những hạn chế đối với việc ghép tạng ở người.
May mắn thay, sự phát triển của tim nhân tạo nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn để kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân này, Giám đốc Liu Xiaocheng của bệnh viện TEDA chia sẻ.
Giờ đây, các triệu chứng bệnh tim của Li đã được cải thiện đáng kể. Từ khi xuất viện, anh đã tăng 12kg và có thể tự lập về tài chính. Một số bệnh nhân thậm chí còn hồi phục tốt hơn.
Được biết thiết bị tim nhân tạo sản xuất trong nước có giá rẻ hơn so với các sản phẩm nhập khẩu.
Theo các nhà phát triển, "HeartCon II" với thiết kế treo từ tính thụ động nhỏ và nhẹ hơn hiện đang được thử nghiệm.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp giữa y học và kỹ thuật để cứu nhiều mạng sống hơn nữa", Liu cho biết.
Theo CGTN, Xinhua
Hành trình Trung Quốc trở thành 'vương quốc xe điện' số 1 thế giới
Trung Quốc cảnh báo ngành thép toàn cầu có nguy cơ gặp khủng hoảng nghiêm trọng