Xã hội

Trung tướng Phạm Tuân trải nghiệm khoang lái máy bay huấn luyện do Việt Nam sản xuất

Trần Thường - Phạm Hải 21/12/2024 - 07:19

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024, Trung tướng Phạm Tuân có những nhận định về vũ khí, khí tài do Việt Nam chế tạo, sản xuất và tiềm năng của nền công nghiệp quốc phòng.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 đã bước sang ngày thứ 3. Những ngày qua có hàng nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm tại các gian trưng bày của triển lãm. Trong số đó có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu, các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Với hàng trăm gian trưng bày của hơn 240 doanh nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, triển lãm được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, gây ấn tượng mạnh với người dân và khách tham quan.

Chiều 20/12, Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã tham quan các gian trưng bày ngoài trời, trong nhà. Nhiều người dân đã chụp ảnh, trò chuyện với ông về những năm tháng chiến đấu huy hoàng và thành tựu công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

W-1HAI_0266.jpg
Trung tướng Phạm Tuân và phi công Mỹ sau khi tham quan máy bay vận tải C-130J.

Tới gian trưng bày của Mỹ với máy bay vận tải C-130J, máy bay cường kích A-10, Trung tướng Phạm Tuân đã trò chuyện với chuyên gia quân sự và phi công Mỹ. Các phi công Mỹ đều bày tỏ bất ngờ khi biết Trung tướng từng lái máy bay Mig-21 bắn rơi “pháo đài bay bất khả xâm phạm” B-52 của Mỹ và cũng là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Họ nhiệt tình mời ông vào tận khoang máy bay C-130J để tìm hiểu.

Tại gian trưng bày của Liên bang Nga, với vốn tiếng Nga sâu rộng, ông dành nhiều thời gian để trò chuyện với các chuyên gia quân sự. Xứ sở Bạch Dương là nơi ông gắn bó một thời tuổi trẻ; khi còn giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, ông cũng thúc đẩy một số dự án hợp tác với Nga.

W-1HAI_1229.jpg
Trung tướng Phạm Tuân tham quan gian trưng bày của công ty quốc phòng Nga.

Tại khu vực trưng bày máy bay huấn luyện TP-150, sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Italia, phục vụ công tác huấn luyện bay sơ cấp và nhiệm vụ tuần tra, Trung tướng Phạm Tuân đã trực tiếp trải nghiệm trên khoang lái của máy bay.

Nói với VietNamNet, ông nhận định loại máy bay này rất tốt để huấn luyện cho phi công trong giai đoạn đầu. Ông ấn tượng khi một công ty của Việt Nam không chuyên về sản xuất máy bay đã hợp tác với nước ngoài để tiếp nhận công nghệ, sản xuất tại Việt Nam.

W-1HAI_0710.jpg
Ông trải nghiệm trên khoang lái máy bay huấn luyện TP-150.
W-1HAI_0681.jpg

"Về nguyên lý các máy bay đều tương tự nhau, trước đây sử dụng đồng hồ cơ nhưng hiện nay là đồng hồ điện tử, với nhiều tính năng tốt. Tôi cho rằng sau khi huấn luyện với máy bay này, phi công có thể bay tốt với máy bay chiến đấu", Trung tướng Phạm Tuân nhận định.

Sau khi tham quan gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Viettel, Trung tướng Phạm Tuân cho biết so với lần triển lãm năm 2022, triển lãm lần này có quy mô tổ chức, số lượng đơn vị trưng bày lớn hơn; nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại hơn, trong đó có các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Ông cho rằng điều này chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có khả năng tổ chức tốt triển lãm quốc phòng có quy mô quốc tế và các nước cũng nhìn nhận được tiềm năng của Việt Nam.

Theo ông đây là thành công lớn của Việt Nam, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

W-1HAI_1065.jpg
Trung tướng Phạm Tuân tham quan các sản phẩm của các nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Viettel.
W-1HAI_1106.jpg

"Chúng ta tự hào có nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đóng góp lớn vào thành công của triển lãm", Trung tướng Phạm Tuân nhận định hàm lượng công nghệ cao đã tăng rất nhiều, đặc biệt với tác chiến điện tử, tên lửa, máy bay...

Ông bày tỏ ấn tượng với tổ hợp tên lửa phòng không S-125-VT - phiên bản hiện đại hóa của tổ hợp S-125 Pechora (Liên Xô) do Viettel nghiên cứu, cải tiến. Tổ hợp này được cải tiến đã bắn được ở các mức độ thấp hơn và cao hơn. Ngoài ra, tổ hợp này có khả năng hủy mục tiêu trên mặt đất, mặt nước, hoạt động chiến đấu độc lập hoặc trong đội hình cụm phòng không.

Trung tướng Phạm Tuân cũng đặc biệt quan tâm đến các thiết bị nhìn đêm cho người lính (ống nhòm, kính ngắm), các loại radar cảnh giới, UAV. Ông cho rằng đây là những sản phẩm cần trong chiến tranh hiện đại.

"Chúng ta đã làm được, đi từng bước một, tạo ra được sản phẩm hiện đại, làm chủ được. Đây là điều đáng mừng và là thành tựu lớn của Quân đội", ông chia sẻ.

Nhớ lại năm tháng chiến tranh khi nhiều trang bị, khí tài không hiện đại bằng các nước, Trung tướng Phạm Tuân cho biết đa số phương tiện, kỹ thuật của nước ta thời kỳ đó đều thấp hơn.

Ông kể: "Thời điểm đó tôi mong muốn có radar thật tốt để bay thấp, không bị lạc đường. Muốn có chống nhiễu để khi địch phát nhiễu thì không quân của ta vẫn phát hiện được. Cách đây mấy chục năm khi nói về chiến tranh phá hoại, đặc biệt khi có cuộc tập kích bằng B-52, tôi và nhiều người đã đề nghị về việc phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, trong đó có điện và điện tử".

Ông đánh giá nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đang trên đà phát triển; được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm, đầu tư.

Việt Nam hoàn toàn chủ động, tự lực, tự cường trong sản xuất loại vũ khí. Trong bối cảnh hiện nay, càng thấy rõ vai trò của sự tự chủ, "chúng ta sẽ tập trung đầu tư, con người để xây dựng nền công nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", ông cho biết.

>> Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và châu Á từng tiêu diệt 'pháo đài bay' B-52, là người duy nhất cả nước 3 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng

Du khách được cầm súng bắn thử ở Triển lãm Quốc phòng Việt Nam

UAV cảm tử, tấn công theo bầy đàn được giới thiệu tại triển lãm quốc phòng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/trung-tuong-pham-tuan-ngoi-khoang-lai-may-bay-huan-luyen-do-viet-nam-san-xuat-2354821.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trung tướng Phạm Tuân trải nghiệm khoang lái máy bay huấn luyện do Việt Nam sản xuất
    POWERED BY ONECMS & INTECH