Trường đại học lĩnh vực kinh tế hàng đầu cả nước chính thức trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam
Theo quyết định của Chính phủ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) chính thức trở thành đại học thứ 9 của Việt Nam.
Chính phủ yêu cầu Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức lại cơ cấu và hoạt động theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan. Đồng thời, trường cần đảm bảo quyền lợi của các bên, duy trì hoạt động bình thường và không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí tài sản.
Hội đồng trường và Hiệu trưởng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Hội đồng đại học và Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hiện nay, Việt Nam có 9 đại học, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Duy Tân và Đại học Kinh tế Quốc dân.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, sự khác biệt giữa trường đại học và đại học không chỉ ở tên gọi mà còn ở định hướng phát triển. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành học.
Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu nhiều lĩnh vực, bao gồm các trường đại học thành viên và khoa chuyên ngành. Đại học là một hệ thống lớn, với số lượng cán bộ, giảng viên và sinh viên đông đảo và đa dạng hơn.
Theo Nghị định 99/2019 của Chính phủ, để chuyển từ trường đại học thành đại học, cần đạt các tiêu chí sau: được tổ chức kiểm định hợp pháp và đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường thành viên và 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; quy mô sinh viên chính quy phải trên 15.000; và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp và các nhà đầu tư.
Đầu năm 2024, Đại học Kinh tế Quốc dân đã thành lập ba trường trực thuộc: Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ. Trường hiện có khoảng 25.000 sinh viên chính quy và hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 66, bậc Tiến sĩ là 28. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trường đặt mục tiêu trở thành một trong 5 đại học hàng đầu Việt Nam.
Ngày 25/1/1956, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678-TTg, với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính.
Đến ngày 22/10/1985, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển, trường đã nỗ lực chứng minh được vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam. Đây là một trong những trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh lớn nhất ở Việt Nam.
Trường đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ năng động, dễ thích nghi với nền kinh tế thị trường và có khả năng tiếp thu các công nghệ mới. Đặc biệt, nhiều cựu sinh viên của trường hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các doanh nghiệp.
Trường cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học kinh tế phục vụ đào tạo, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, các ngành, các địa phương, và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài đào tạo cử nhân kinh tế, trường đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu lớn về kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam, được Chính phủ trực tiếp giao nhiều đề tài nghiên cứu lớn và quan trọng.
Với mong muốn hội nhập quốc tế và mang đến cho sinh viên, học viên cơ hội phát triển, trường đã hợp tác nghiên cứu - đào tạo với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng của các nước như Trung Quốc, Ba Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật, Đức...
Về mục tiêu phát triển, trường đặt kế hoạch đến năm 2030 sẽ trở thành đại học tự chủ toàn diện, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, đồng thời có vị trí cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.
>>Thêm 1 đại học được tổ chức thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
Thanh tra chỉ ra loạt vi phạm của Trường Đại học Quốc tế
Giành Huy chương Vàng cuộc thi Toán, nữ sinh lớp 9 vào thẳng đại học ở tuổi 14