Kiến thức

Trường đại học rộng nhất Việt Nam, có đến gần 500 giáo sư, phó giáo sư với một tỷ lệ cao gấp 3 lần trung bình của cả nước

Linh Chi 09/08/2024 08:24

Đây là đơn vị dẫn đầu số giáo sư được công nhận năm 2023 với 7 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn.

Năm 2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ký quyết định công nhận 630 ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS). Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có 38 ứng viên được công nhận gồm 7 GS và 27 PGS. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu số giáo sư được công nhận năm 2023 với 7 nhà giáo đạt chuẩn.

Theo ĐHQGHN, tính đến thời điểm đầu năm 2023, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS của ĐHQGHN đạt 21% (491/2351). Tỷ lệ CBKH có chức danh GS, PGS cao gần gấp 3 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ CBKH trình độ cao tăng liên tục qua các năm.

Trường đại học rộng nhất Việt Nam

Năm 1993, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba trường đại học: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (cũ), và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội thành một cơ sở giáo dục mới mang tên Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp và được định hình là cơ sở đào tạo các chương trình giáo dục đại học và sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ với chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.

Trường đại học rộng nhất Việt Nam, có đến gần 500 giáo sư, phó giáo sư với tỷ lệ cao gấp 3 lần trung bình của cả nước - ảnh 1
Một góc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: Fanpage Đại học Quốc gia Hà Nội - VNU

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 9 trường đại học thành viên, 3 trường và 1 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 trung tâm đào tạo môn chung, 5 viện nghiên cứu khoa học trực thuộc, 14 đơn vị dịch vụ và phục vụ, cùng 4 trường THPT và 1 trường THCS thuộc các trường thành viên của ĐHQGHN. Với quy mô này, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất tại Việt Nam, hiện có tổng gần 40.000 sinh viên.

Trường cũng có diện tích lên đến 11,13km², tương đương rộng gấp hai lần Quận Hoàn Kiếm và gấp 40 lần diện tích Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ đào tạo hàng chục nghìn sinh viên mà còn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển trụ sở đến Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, với khuôn viên rộng lớn, đáp ứng tốt không gian học tập, nghiên cứu, và phát triển cho sinh viên.

Lọt top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á

Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs của Tây Ban Nha đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai trong năm 2024. Đáng chú ý, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vươn lên vị trí 771 thế giới và duy trì vị trí trong top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á về tiêu chí mức độ ảnh hưởng (Visibility). Ngôi trường này tiếp tục giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam và xếp thứ 15 tại Đông Nam Á.

Trường đại học rộng nhất Việt Nam, có đến gần 500 giáo sư, phó giáo sư với tỷ lệ cao gấp 3 lần trung bình của cả nước - ảnh 2
Một trong các phác thảo phối cảnh Khu Nhà điều hành trung tâm ĐHQGHN tại Hòa Lạc

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào top 800 thế giới về tiêu chí mức độ ảnh hưởng (hiện đang xếp ở vị trí 727), đồng thời cũng là năm thứ ba liên tiếp gia tăng vị trí ở tiêu chí Độ mở học thuật (hiện đang xếp ở vị trí 1170).

Webometrics là bảng xếp hạng tự động đánh giá khả năng số hóa và tầm ảnh hưởng của tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số như: Mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở của tài nguyên học thuật trên Google Scholar (openness) và chỉ số trích dẫn khoa học trên cơ sở dữ liệu Scopus (excellence).

Trong kỳ xếp hạng này, Webometrics tiếp tục áp dụng phương pháp xếp hạng tương tự như kỳ tháng 1/2021. Tiêu chí "Presence" đã bị loại bỏ, và Visibility (Mức độ ảnh hưởng) chiếm tỷ trọng cao nhất (50%), Excellence (Sự xuất sắc) chiếm 40%, và Transparency (Độ mở học thuật) chiếm 10%.

Trên bảng xếp hạng đại học QS và THE năm 2024, đại học này lần lượt thuộc nhóm 801-1.000 và 1.001-1.200 thế giới. Mục tiêu đến năm 2025 là vào top 500.

>>Trường đại học khối ngành kinh tế 'hot' nhất Việt Nam tăng học phí, có ngành lên đến 22 triệu đồng/năm

Trường đại học đạt 5 sao quốc tế là 'bến đỗ' của ông Hoàng Nam Tiến, tổng thu 1.300 tỷ, cử nhân tốt nghiệp thu nhập lên đến nghìn đô/tháng

Trường đại học có sinh viên tốt nghiệp với thu nhập thuộc nhóm cao nhất Việt Nam, được xếp vào danh sách đại học có tầm ảnh hưởng trên thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/truong-dai-hoc-rong-nhat-viet-nam-co-den-gan-500-giao-su-pho-giao-su-voi-ty-le-cao-gap-3-lan-trung-binh-cua-ca-nuoc-125142.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Trường đại học rộng nhất Việt Nam, có đến gần 500 giáo sư, phó giáo sư với một tỷ lệ cao gấp 3 lần trung bình của cả nước
POWERED BY ONECMS & INTECH