Từ 1/2025, 3 chính sách quan trọng về đất đai và bất động sản chính thức có hiệu lực
Từ tháng 01/2025, 3 chính sách liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực, người dân cần biết để tránh thiệt thòi.
1. Quy định về mức thuế với người sở hữu nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở từ ngày 07/01/2025
Ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản cũng như phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 07/01/2025.
Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang nhằm đảm bảo đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, dựa trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
>> Từ 1/1/2025, chuyển từ đất vườn lên thổ cư buộc đáp ứng điều kiện gì?
2. Chi xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản
Thông tư số 82/2024/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 25/11/2024 hướng dẫn sử dụng kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, có hiệu lực từ ngày 10/01/2025.
Theo đó, nội dung chi xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản bao gồm:
Chi thiết lập, nâng cấp, duy trì, thuê hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và chi xây dựng, nâng cấp, thuê hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản được phép sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về công nghệ thông tin.
Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức, viên chức và người lao động được phân công thực hiện quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Chi điều tra, khảo sát, thu thập, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản.
Chi xử lý, cập nhật, số hóa, lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản.
Chi quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Chi bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin cho hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác thu thập thông tin, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
3. Thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy mới đây đã ban hành Thông tư 25/2024/TT-BTNMT ngày 26/11/2024 quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/02/2025, thay thế cho Thông tư 05/2017/TT-BTNMT.
Theo thông tư mới, thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2024 được thiết kế theo mô hình dữ liệu bao gồm: Dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, siêu dữ liệu đất đai và dữ liệu đất đai phi cấu trúc.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ được tổ chức xây dựng, quản lý theo phân cấp từ Trung ương đến địa phương, cụ thể:
Phân cấp | Loại cơ sở dữ liệu đất đai |
---|---|
Địa phương (Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương) | - Cơ sở dữ liệu địa chính - Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất - Cơ sở dữ liệu giá đất - Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai |
Trung ương | - Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước - Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cấp quốc gia - Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai đối với cấp vùng kinh tế - xã hội và cả nước - Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai: + Hồ sơ đất đai tại trung ương + Địa chỉ số của thửa đất, tài sản gắn liền với đất + Thông tin kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính + Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam + Giấy chứng nhận bị thu hồi, hủy + Dữ liệu tổng hợp về giá đất - Cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tích hợp lên trung ương |
>> Từ bây giờ, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư có gì thay đổi?
Chỉ ít ngày nữa, 6 trường hợp nhà ở này sẽ không được chứng nhận quyền sở hữu
Từ bây giờ, chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư có gì thay đổi?