Tuyến đường sắt dài 71km trị giá 868 triệu USD sẽ nối Vịnh Subic với Clark, các địa điểm trước đây có căn cứ quân sự của Mỹ và nay đã trở thành những trung tâm thương mại sầm uất
Mỹ, Nhật Bản và Philippines mới đây đã công bố thỏa thuận Hợp tác đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGII) mang tên Hành lang Luzon. Theo dự kiến thỏa thuận sẽ mở ra một loạt dự án kết nối 4 trung tâm kinh tế của Philippines là Vịnh Subic, Clark, thủ đô Manila và Batangas.
Năm ngoái, Philippines tuyên bố sẽ ngừng theo đuổi các khoản vay từ Trung Quốc cho 3 dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án đường sắt kể trên, do không có tiến triển từ phía Trung Quốc dù nước này đã cam kết tài trợ 5 tỷ USD. Quốc gia Đông Nam Á chính thức rút lui khỏi siêu dự án Vành đai và Con đường (BRI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dù các nhà lãnh đạo Philippines không đề cập trực tiếp nhưng giới phân tích nhận định một phần nguyên nhân có thể là mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã xấu đi trong thời gian gần đây do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Là sáng kiến của nhóm các quốc gia phát triển G7, PGII hướng đến mục tiêu đến năm 2027 sẽ huy động được 600 tỷ USD để thu hẹp khoảng cách trong đầu tư cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia có thỏa thuận hợp tác. Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ muốn sử dụng kết hợp nguồn vốn công và tư nhân để tài trợ cho các cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng cao ở các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình. Mỹ đã rót 30 tỷ USD vào PGII.
Sáng kiến Luzon sẽ là hành lang PGII đầu tiên ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương |
Theo một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, sáng kiến Luzon sẽ là hành lang PGII đầu tiên ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là một phần trong nỗ lực hiện thực hóa những gì mà các nhà lãnh đạo 3 nước đã bàn bạc trong hội nghị 3 bên diễn ra ngày 11/4.
Hành lang Luzon bao gồm nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, sẽ có các cảng biển, hệ thống đường sắt, dự án năng lượng sạch, nhà máy chip, chuỗi cung ứng và những thứ khác giúp kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm của Philippines. Trong đó tuyến đường sắt dài 71km trị giá 50 tỷ peso (tương đương 868 triệu USD) sẽ nối Vịnh Subic với Clark, các địa điểm trước đây có căn cứ quân sự của Mỹ và nay đã trở thành những trung tâm thương mại sầm uất.
Bên cạnh nguồn vốn từ Chính phủ 3 nước, đại dự án cũng hi vọng sẽ huy động được lượng lớn vốn tư nhân. Nhân dịp này, một số công ty Mỹ đã công bố khoản đầu tư mới vào Philippines trong các lĩnh vực cáp quang dưới biển, logistics và viễn thông. Ví dụ, Google thông báo đầu tư 1 tỷ USD vào 2 dự án cáp ngầm.