Loại bỏ cơ chế ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) sẽ mở đường cho thị trường chứng khoán lên hạng đồng thời cũng đưa nhà đầu tư tới gần hơn cơ chế giao dịch T+1, T+0.
Như đã thông tin trong bài viết "Từ KRX đến nâng hạng thị trường chứng khoán (bài 1): Cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)", việc hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động sẽ cho phép Việt Nam triển khai đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP). Đây sẽ là tiền đề cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang tồn tại suốt thời gian qua, đồng thời đáp ứng được tiêu chí từ tổ chức FTSE.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang gần cách cửa "lên hạng" hơn bao giờ hết |
Theo CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI), có thể hiểu vấn đề ký quỹ trước giao dịch rằng, thông thường nhà đầu tư mua cổ phiếu có giá trị 1 tỷ đồng thì trong tài khoản phải có 1 tỷ đồng tiền mặt để thực hiện lệnh mua. Nói cách khác, nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mới mua cổ phiếu.
Tuy nhiên, ở các thị trường mới nổi hay phát triển thường không yêu cầu nhà đầu tư phải có 1 tỷ đồng ngay lúc mua, khách hàng có thể mua trước và trả tiền sau. Dù vậy, điều này dẫn đến rủi ro là nhiều khách hàng mua nhưng không thanh toán, không trả tiền dẫn đến thiệt hại cho công ty chứng khoán.
Chuyên gia Chứng khoán Vietcap cho rằng, trong bài toán nâng hạng, thị trường bắt buộc phải chấp nhận rủi ro này. Mặt khác, cần nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán để vấn đề nêu trên không hoặc ít xảy sai sót nhất dẫn đến thất thoát tài sản.
Bên cạnh đó, cần có những chế tài để xử lý các cá nhân/tổ chức có ý định bùng thanh toán.
Ngoài ra, có thể cho phép các công ty chứng khoán có thẩm quyền trong việc quyết định cho phép đối tượng nào được quyền mua trước trả tiền sau. Yếu tố này tương tự việc chấm điểm tín dụng hay xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đối tượng nào sẽ được ưu tiên, không cần ký quỹ nhiều; đối tượng nào phải ký quỹ lớn hơn. Công ty chứng khoán có quyền thanh lý tài sản trong những trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ quy định, chậm trễ hoặc không thanh toán giao dịch.
Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết" do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức hồi giữa tháng 10/2023, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, khảo sát trên thế giới cho thấy trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ chiếm 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Dựa vào nghiên cứu trên, ông Lực đã đưa ra 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót. Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000-5.000 USD hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. Thứ ba, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán trong việc thẩm định rủi ro.
Để làm rõ hơn về ảnh hưởng từ những đề xuất quản lý rủi ro phát sinh từ việc loại bỏ tiêu chí ký quỹ trước giao dịch, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nghiêm Sỹ Tiến - Chuyên viên Cao cấp Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả.
Theo ông, việc loại bỏ tiêu chí ký quỹ trước giao dịch phát sinh rủi ro gì trong trường hợp nhà đầu tư "bùng" thanh toán sau khi mua? Mức độ của vấn đề này ra sao?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến: Trước hết, cần nhấn mạnh việc đưa vào cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (Central Clearing Counterparty) là một trong những giải pháp hiệu quả để có thể giải quyết vấn đề pre-funding. Cụ thể ở đây, các ngân hàng lưu ký sẽ đóng vai trò chủ thể trung gian giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả người mua và người mua của tất cả người bán.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến |
Với cơ chế này, CCP sẽ đảm bảo việc nghĩa vụ thanh toán giữa các bên kể cả trong trường hợp một bên không thực hiện được nghĩa vụ. Tuy nhiên, mức độ phát sinh rủi ro vẫn còn phụ thuộc vào tính chất và diễn biến trong hoạt động giao dịch của các loại tài sản chứng khoán.
Ví dụ, trong trường hợp một bên không thể thanh toán tiền mua cổ phiếu và CCP phải thực hiện bán lượng cổ phiếu đã mua đó để đảm bảo nghĩa vụ, rủi ro sẽ xảy ra khi cổ phiếu đó không có thanh khoản/thanh khoản giao dịch rất thấp, hoặc giá trị của tài sản chứng khoán đó tăng/giảm mạnh ngay sau khi thực hiện mua/bán. Giải pháp cho những vấn đề này là có thể bắt buộc thanh toán 1 phần (partial settlement), pre-funding một phần…
Trong số giải pháp dự kiến được đưa ra nhằm ngăn chặn, hạn chế rủi ro liên quan đến thanh toán có việc giao quyền cho các công ty chứng khoán nhằm sàng lọc, đề ra tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư không phải ký quỹ trước giao dịch. Theo ông, nhóm đối tượng này có thể là những ai?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến: Nhóm đối tượng có thể được sàng lọc không phải đảm bảo pre-funding có thể là các tổ chức/quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư nước ngoài bởi nhóm nhà đầu tư trên có thể đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, uy tín cũng như có cơ sở tài chính, khả năng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch.
Loại bỏ pre-funding đồng nghĩa với việc thị trường sẽ chuyển về cơ chế giao dịch T+0. Ông đánh giá thế nào về vòng quay của dòng tiền cũng như hiệu quả giao dịch của nhà đầu tư khi T+0 được áp dụng?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến: Việc bỏ cơ chế pre-funding cũng như đưa vào cơ chế bán chứng khoán chờ về (giao dịch T+0) giúp đẩy nhanh vòng quay tiền lưu thông trong hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư.
Tại những thị trường đã áp dụng cơ chế giao dịch trên như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… giá trị giao dịch bình quân một phiên trong 5 năm qua rơi vào khoảng từ 0,3-0,5% tổng vốn hóa thị trường. Con số này thường cao hơn so với các thị trường mới nổi (những thị trường mang đặc điểm nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng giao dịch lớn).
Ở Việt Nam, con số thực tế ghi nhận khoảng 0,227% vốn hóa trị trường/phiên. Do đó, chúng tôi kỳ vọng việc triển khai cơ chế giao dịch T+0 có thể đẩy giá trị giao dịch 1 phiên của VN-Index tăng gấp đôi so với mức trung bình 5 năm trở lại đây - tương đương khoảng hơn 21.000 tỷ đồng/phiên. Trước mắt, khi hệ thống KRX được đưa vào hoạt động, việc triển khai cơ chế giao dịch T+1 sẽ được ưu tiên trước khi có lộ trình giảm xuống T+0 trong tương lai.
>> ‘Câu giờ’ cho doanh nghiệp bất động sản repo trái phiếu năm 2024