Hy hữu: ‘Khách ngoại’ mua cổ phiếu FPT không trả tiền, Vietcap (VCI) phải tự thanh toán 4 tỷ
Đây là công ty chứng khoán đầu tiên báo cáo một trường hợp liên quan non Pre-funding kể từ khi Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực.
CTCP Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI) vừa báo cáo về một trường hợp hi hữu khi nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện thanh toán sau khi đã đặt lệnh mua cổ phiếu.
Cụ thể, vào ngày 17/12/2024, nhà đầu tư nước ngoài Aegon Custody B.V đã đặt lệnh mua 26.600 cổ phiếu của CTCP FPT, với tổng giá trị cổ phiếu giao dịch gần 4 tỷ đồng. Dù giao dịch đã khớp lệnh, nhưng Aegon Custody lại không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Do vậy, Vietcap đã phải tự thanh toán toàn bộ số tiền gần 4 tỷ đồng cho giao dịch này.
Aegon Custody B.V là một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Hà Lan, do ông Eric Perush là đại diện pháp lý - Global Head of Trading. Công ty này mở tài khoản chứng khoán ký hiệu CTBFCA2571 tại Vietcap.
Thông báo của Vietcap |
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán nhưng vẫn khớp lệnh?
Trường hợp này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao một nhà đầu tư nước ngoài có thể không thanh toán nhưng vẫn hoàn tất giao dịch? Để giải thích vấn đề này, cần phải hiểu quy trình và những thay đổi trong các quy định giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển tiền đầy đủ vào tài khoản trước khi thực hiện lệnh mua. Tuy nhiên, theo một số ý kiến từ ngành tài chính, quy định này đã tạo ra rào cản đối với dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Để tháo gỡ vấn đề này, vào ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi một số điều của các thông tư liên quan đến giao dịch chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 và đã tạo ra một cơ chế mới cho các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quy định mới, các công ty chứng khoán có quyền đánh giá mức độ rủi ro thanh toán của các nhà đầu tư nước ngoài tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua chứng khoán. Nếu nhà đầu tư không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán sẽ được chuyển cho công ty chứng khoán nơi họ thực hiện lệnh, thông qua tài khoản tự doanh của công ty đó.
Trong trường hợp nhà đầu tư không thanh toán, công ty chứng khoán có quyền chuyển sở hữu cổ phiếu ngoài hệ thống lưu ký, bù trừ thanh toán, hoặc thực hiện giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu này sang tài khoản tự doanh. Sau đó, công ty chứng khoán thực hiện bán số cổ phiếu này, phần lãi/lỗ được tính theo thỏa thuận giữa các bên.
Vietcap là công ty chứng khoán đầu tiên chính thức báo cáo sự việc này từ sau khi Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng. Trước đó, thuật ngữ non Pre-funding vẫn thường xuyên được nhắc tới, nhưng chưa thực sự có ví dụ. Non Pre-funding - là quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền.
Ảnh minh họa |
Vietcap sẽ làm gì tiếp theo?
Quay lại với vụ việc của Vietcap, có thể thấy rằng, để được giao dịch khớp lệnh mà chưa có tiền, Aegon Custody đã 'vượt qua' vòng đánh giá rủi ro, để được chấp nhận đặt lệnh mua chứng khoán khi chưa đủ tiền trong tài khoản.
May mắn cho Vietcap, trường hợp Aegon Custody kiên quyết không trả tiền, công ty chứng khoán phải bán đi số cổ phiếu này, thì công ty có thể vẫn không 'lỗ'. Nguyên nhân, trên thị trường chứng khoán FPT đã có 2 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm điểm tính từ 17/12-20/12. Giá cổ phiếu FPT tăng từ 148.000 lên 149.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/12/2024).
Theo thông báo, lệnh khớp của Aegon Custody ở mức 148.850 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, Vietcap đã có 'lãi' nhẹ.
>> Ôm 1 cổ phiếu ngành sữa 4 năm, Vietcap (VCI) hái quả ngọt với khoản tạm lãi 1.700 tỷ đồng
FPT tuyển sinh khoảng 1.500 sinh viên, làm 'bệ phóng' chinh phục ngành bán dẫn
FPT 'hiến kế' để hiện thực hoá giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam