Từ vụ hàng trăm máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ: Kinh ngạc trước công nghệ tinh vi của điệp viên Israel
Israel từ lâu đã sử dụng điện thoại và các phương tiện tương tự để theo dõi và tiêu diệt kẻ thù.
Các điệp viên Israel có một bề dày kinh nghiệm trong việc khai thác công nghệ, từ điện thoại di động đến các phần mềm gián điệp tinh vi, để theo dõi, giám sát và tiến hành các hoạt động bí mật chống lại kẻ thù.
Vào năm 1972, như một phần trong chiến dịch trả thù Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vì vụ thảm sát 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich, các đặc vụ Mossad đã thay đổi đế cẩm thạch của chiếc điện thoại mà Mahmoud Hamshari, đại diện của PLO tại Paris, sử dụng trong căn hộ của ông ở Pháp. Ngày 8/12, khi Hamshari nhấc điện thoại trả lời cuộc gọi, một đội Israel gần đó đã kích nổ từ xa nhờ thuốc nổ giấu bên trong đế giả khiến Hamshari mất một chân và sau đó qua đời.
Năm 1996, Cơ quan An ninh Nội địa Israel, Shin Bet, đã lừa Yahya Ayyash, một chuyên gia chế tạo bom của Hamas, nhận cuộc gọi từ cha mình qua một chiếc điện thoại Motorola Alpha được một cộng tác viên người Palestine mang vào Gaza. Ẩn bên trong chiếc điện thoại này là khoảng 50 gram thuốc nổ, đủ để giết bất cứ ai đang cầm điện thoại áp vào tai. Cả hai sự việc này hiện đã trở thành huyền thoại trong lịch sử điệp viên Israel.
Với các cựu quan chức tình báo, đây được xem là những thành công điển hình, trong đó điện thoại đóng vai trò quan trọng: theo dõi mục tiêu trước vụ ám sát, xác nhận danh tính mục tiêu trong lúc thực hiện, và cuối cùng là giúp sử dụng một lượng nhỏ thuốc nổ chỉ giết chết Ayyash và Hamshari mà không gây thiệt hại lớn.
Vào chiều ngày 17/9, khi hàng trăm máy nhắn tin đột ngột phát nổ khắp Lebanon, nghi ngờ lập tức đổ dồn về Israel, quốc gia duy nhất trong khu vực có mạng lưới tình báo đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công táo bạo, tinh vi và được phối hợp như vậy.
Hezbollah, nhóm chiến binh mà nhiều thiết bị bị phá hủy trong cuộc tấn công, tuyên bố rằng “chúng tôi hoàn toàn đổ lỗi cho kẻ thù Israel". Quân đội Israel từ chối bình luận về vụ tấn công, dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tối ngày 17/9 (theo giờ Lebanon) đã họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu của mình sau vụ nổ làm ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em, và hơn 2700 người bị thương.
Sau gần một năm xung đột căng thẳng với Israel, nhóm Hezbollah đã quyết định quay trở lại sử dụng máy nhắn tin. Quyết định này được đưa ra sau lời kêu gọi công khai của lãnh đạo Hassan Nasrallah, yêu cầu các chiến binh từ bỏ điện thoại thông minh để tránh bị Israel giám sát và tấn công. Với việc Israel liên tục tăng cường các cuộc tấn công vào chỉ huy của nhóm, máy nhắn tin được xem là một giải pháp an toàn hơn.
Sự lựa chọn máy nhắn tin của Hezbollah, có “bề mặt tấn công” nhỏ hơn nhiều so với điện thoại thông minh, vốn được xem là một biện pháp đối phó tinh vi để tránh bị theo dõi, cuối cùng lại trở thành điểm yếu chí mạng. Những thiết bị đơn giản này, thường chạy bằng pin AA hoặc AAA, và trong các mẫu mới nhất là pin lithium, có thể bị ép nổ.
Nghi vấn về cơ chế vụ nổ hàng loạt
Các vụ nổ đã được ghi lại bởi camera an ninh khi các nạn nhân đang thực hiện những hoạt động thường ngày trong siêu thị hoặc đi dạo quanh khu vực phía nam Beirut. Theo các báo cáo từ truyền thông địa phương và video đăng trên mạng xã hội, những vụ nổ này dường như diễn ra trong vòng nửa giờ, và trước đó nhiều người đã nhận được những tin nhắn hoặc nghe thấy tiếng bíp cảnh báo khiến nhiều người rút điện thoại ra xem.
Hai cựu quan chức tình báo Israel, chuyên gia về tấn công mạng và chiến dịch đối phó, đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng các thiết bị nhắn tin gây ra những thương tích nghiêm trọng như trong các video từ Beirut. Theo họ, pin của những thiết bị này thường không đủ lớn để tạo ra một vụ nổ mạnh đến vậy.
Cả hai cựu quan chức đều cho rằng không có đủ bằng chứng công khai để xác định chính xác cách thức các vụ nổ được thực hiện. Tuy nhiên, họ đưa ra hai giả thuyết: một là, một cuộc tấn công mạng tinh vi đã khiến phần mềm độc hại bị quá nhiệt và kích nổ pin lithium của các thiết bị; hai là, một hoạt động xâm nhập chuỗi cung ứng, trong đó các máy nhắn tin đã bị cài đặt chất nổ trước khi đến Lebanon. Với kích thước nhỏ của các vụ nổ, cả hai đều cho rằng khả năng tấn công mạng là khó xảy ra.
“Không dễ, nhưng bạn có thể làm điều đó từ xa với một thiết bị từ xa, và ngay cả khi đó, bạn cũng không thể chắc chắn rằng nó sẽ cháy hay thực sự phát nổ”, một cựu quan chức cho biết. “Để thực hiện việc này với hàng trăm thiết bị cùng lúc? Đó hẳn là sự tinh vi không tưởng”.
Để chuyển sang sử dụng máy nhắn tin, Hezbollah đã phải nhập khẩu một lượng lớn thiết bị lỗi thời từ đầu những năm 2000 vào Lebanon. Theo một cựu quan chức Israel, việc tích hợp các máy nhắn tin này vào mạng di động hiện đại là tương đối đơn giản.
Thực tế, ngay cả hiện nay, máy nhắn tin vẫn được sử dụng trong một số ngành nghề nhất định, như y tế, nhà hàng, hoặc các trung tâm phân loại thư, nơi nhân viên cần nhận những thông báo ngắn gọn.
Mục tiêu phiến quân
Một trong các cựu quan chức cho biết, mặc dù các tin nhắn văn bản có thể dễ dàng bị tình báo Israel chặn, nhưng mục đích thực sự của chúng có thể bị che giấu bằng cách sử dụng mã hoặc tín hiệu đã được thỏa thuận trước. Điều này khiến máy nhắn tin trở nên hấp dẫn đối với Hezbollah.
Vì Hezbollah là lực lượng chính sử dụng máy nhắn tin tại Lebanon, kẻ tấn công có thể đã tính toán rằng họ chủ yếu nhằm vào các mục tiêu quân sự. Một cựu quan chức đặt ra nghi vấn về nguồn gốc của các thiết bị bị tấn công: “Liệu tất cả chúng có cùng xuất xứ, từ cùng một lô hàng hay không? Hay chúng đến từ nhiều nguồn khác nhau, phân phối đến các cấp bậc khác nhau trong Hezbollah?”
Nếu tất cả các bộ phận đều xuất phát từ cùng một lô hàng hoặc nhà cung cấp, điều này đặt ra nghi vấn về khả năng các lô hàng đã bị can thiệp, và một lượng nhỏ thuốc nổ đã được cài vào bên trong.
Một giả thuyết được đưa ra là chất nổ có thể được cài vào trong các viên pin - một phương thức mà các cơ quan tình báo Israel và phương Tây đã cảnh báo từ lâu có thể bị các phần tử khủng bố lợi dụng trên các chuyến bay thương mại. Chính vì vậy, nhiều sân bay hiện nay yêu cầu hành khách bật máy tính xách tay để kiểm tra pin, nhằm ngăn chặn nguy cơ thay thế pin bằng chất nổ."
Cựu quan chức tình báo Israel tiết lộ rằng việc chế tạo pin lithium chứa chất nổ tiềm ẩn là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, ông cảnh báo về những rủi ro khi thực hiện hành vi này trên quy mô lớn: "Các đối tượng khủng bố rất tinh vi và cần kiểm tra kỹ lưỡng mọi thiết bị trước khi cho phép chúng tiếp cận mục tiêu".
Theo Financial Times
>> Sau máy nhắn tin, hàng loạt bộ đàm của Hezbollah lại phát nổ khiến hàng trăm người thương vong
Hezbollah sẽ kích hoạt cuộc xung đột mới chống Israel ở Trung Đông?
Sau máy nhắn tin, hàng loạt bộ đàm của Hezbollah lại phát nổ khiến hàng trăm người thương vong