Quốc tế

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, phải ngậm ngùi bán mình cho đối thủ

Nguyễn Bình 08/04/2024 - 11:28

Từ vị trí là một tượng đài của Nhật Bản và nổi tiếng toàn cầu, Toshiba cuối cùng đã phải bán mình cho đối thủ. Gã khổng lồ giờ "teo tóp" và khó có thể vươn lên.

140 năm vươn mình thành tượng đài nước Nhật

Tập đoàn Toshiba được thành lập vào năm 1939, có tên gọi Tokyo Shibaura Denki K.K. (Công ty TNHH Tokyo Shibaura Electric) với tham vọng trở thành một trong những công ty sản xuất máy móc cơ khí hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, lịch sử của Toshia đã có từ rất lâu trước đó. Công ty ra đời sau vụ hợp nhất giữa Tokyo Denki và Shibaura Seisaku-sho.Shibaura Seisaku-sho được thành lập vào năm 1875 và Tokyo Denki được thành lập vào năm 1890. Trong đó, Shibaura Seisaku-sho là công ty Nhật Bản đầu tiên làm thiết bị điện báo, sau đó trở thành công ty sản xuất máy móc điện tử lớn của Nhật. Tokyo Denki là công ty Nhật đầu tiên sản xuất bóng đèn nóng sáng.

Hai công ty này đi tiên phong trong việc phát triển các thiết bị điện tại Nhật Bản, như máy phát điện chạy bằng turbine bánh xe nước hay máy phát sóng. Lĩnh vực hoạt động của họ cũng liên tục mở rộng, sang các mảng như thiết bị y tế và radio. Ở thời kỳ này, họ đã ra mắt nhiều sản phẩm đầu tiên của Nhật Bản, như quạt điện, máy giặt, tủ lạnh.

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Nhà máy của Tanaka Seizo-sho – tiền thân của Toshiba ở Tokyo

Sau Đại chiến Thế giới II, Toshiba ban đầu tập trung vào máy móc hạng nặng, sau đó chuyển sang các thiết bị nhỏ gọn hơn. Họ mở nhiều chi nhánh bán hàng và bắt đầu xuất khẩu sang Đông Nam Á.

Kinh tế Nhật Bản bùng nổ vào thập niên 50, giúp các ngành máy móc công nghiệp, điện tử và truyền thông phát triển. Doanh thu và lợi nhuận của Toshiba cũng tăng mạnh. Toshiba sau đó mở rộng việc sản xuất và gia tăng số lượng chi nhánh bán hàng trên thế giới. Thời gian này, họ ra mắt nhiều sản phẩm như lò vi sóng, TV màu, nồi cơm điện. Một số công nghệ còn đi đầu thế giới, như máy đọc zip code tự động, hay điều hòa inverter dùng trong gia đình.

Năm 1963, Toshiba đạt dấu ấn lớn khi xây dựng thành công turbine điện hạt nhân đầu tiên của Nhật. Năm 1967, Toshiba là nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất và công ty lớn thứ tư của Nhật.

Trong những năm 1980 và 1990, Toshiba đã trở nên nổi bật trong ngành và tìm thấy con đường đem lại vận may cho họ.

Năm 1985, Toshiba đã bắt đầu sản xuất T1100, sản phẩm máy tính xách tay đầu tiên của công ty. Đây là loại máy tính xách tay tương thích IBM đầu tiên trên thế giới.

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Mẫu laptop Toshiba T1100

Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, Toshiba đã trở thành một công ty lớn trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính xách tay. Theo báo cáo, trong năm 2007, công ty này chịu trách nhiệm về 17,8% tổng doanh số bán máy tính tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ. Trong thời gian này, công ty cũng giữ vị trí dẫn đầu trong việc trở thành công ty hàng đầu trên thị trường ổ đĩa flash NAND.

Vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ

Vào khoảng thời gian những năm 2000, Internet đã bắt đầu có mặt. Làn sóng cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng nhiều hơn. Nhiều công ty như Acer và Asus đã có cơ hội bán máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử khác. Ngay sau đó là sự xuất hiện của các thương hiệu đến từ Trung Quốc, với mức giá thấp hơn, như Lenovo,...

Mỗi năm trôi qua, công nghệ từ các nước ngày càng phát triển hơn. Máy tính xách tay trở nên bình thường giống như những sản phẩm công nghệ khác. Điều này khiến khách hàng quay lại lựa chọn những thương hiệu có giá rẻ hơn. Đó là lí do khiến Toshiba dần bị lu mờ trên thị trường.

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Tivi màu đầu tiên của Nhật Bản do Toshiba chế tạo

Cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 ảnh hưởng nặng nề đến công ty. Các báo cáo sau đó cho thấy, Toshiba đã thu hẹp 80% quy mô sản xuất từ năm 2007 đến năm 2015. Năm 2015, Toshiba cũng bắt đầu thuê nhân công sản xuất TV bên ngoài, các sản phẩm của công ty đã bị rút khỏi các thị trường ngoài Nhật Bản. TV Toshiba được sản xuất bởi Compal cho Hoa Kỳ, hoặc bởi Vestel và các nhà sản xuất khác trên thị trường Châu Âu. Công ty đã giải thể một nhà máy sản xuất ở Ai Cập và bán bớt một nhà máy ở Indonesia.

Theo một nghiên cứu từ công ty cung cấp dữ liệu IDC, năm 2016, sau 10 năm, thị phần trên thị trường PC của Toshiba đã đã giảm từ 20% xuống chỉ còn 5%.

Hàng loạt bê bối kéo gã khổng lồ xuống đáy

Năm 2015, Toshiba bị phát hiện gian lận kế toán. Theo kết luận của một ủy ban điều tra độc lập khi đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 5 năm. Con số này gấp 3 lần dự tính ban đầu của hãng.

Giám đốc điều hành, Hisao Tanaka, người đã từ chức vào ngày 21/7/2015 nói rằng đây là sự kiện bê bối gây tổn hại nhất cho thương hiệu Toshiba trong lịch sử 140 năm của công ty.

Sau đó, Toshiba đã bị loại khỏi danh sách các công ty chứng khoán Tokyo tốt nhất tại Nhật Bản. Tháng 9 năm đó, cổ phiếu của công ty giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Tháng 10/2015, công ty đã bán mảng kinh doanh cảm biến hình ảnh cho Sony.

Kết quả điều tra cũng cho thấy công ty này quản trị kém và thường hạn chế nhân viên đặt câu hỏi với cấp trên. Ngay sau đó, 8 quan chức cấp cao khác và hai CEO tiền nhiệm cũng đã từ chức. Toshiba bắt tay vào cải tổ, tái cấu trúc và cải thiện hình ảnh của công ty.

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Ba lãnh đạo Toshiba cúi đầu xin lỗi sau bê bối gian lận kế toán tại buổi họp báo ở Tokyo năm 2015

Tháng 6/2016, Midea Group (Trung Quốc) mua 80% cổ phần Toshiba Lifestyle Products & Services Corporation – mảng sản xuất đồ điện tử gia dụng – với giá 473 triệu USD. Midea được quyền sử dụng thương hiệu Toshiba cho các thiết bị này trên toàn cầu trong vòng 40 năm.

Vào giữa năm 2016, Toshiba còn phải đối mặt với một vấn đề khác khi phải thu hồi 100.000 chiếc máy tính xách tay vì bị quá nhiệt do lỗi pin. Pin của những sản phẩm này được sản xuất bởi Panasonic.

Cũng trong năm đó, Canon mua mảng thiết bị y tế của Toshiba - Toshiba Medical Systems Corporation. Hiện tại, mảng này có tên Canon Medical Systems Corporation.

Để bù đắp khoản lỗ khổng lồ trên bảng cân đối kế toán, Toshiba phải bán mảng chip nhớ. Thời điểm đó, Toshiba vẫn là hãng sản xuất chip nhớ NAND lớn nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics. Cuối năm 2017, mảng này được bán cho quỹ đầu tư Bain Capital của Mỹ với giá 2.000 tỷ yen (18 tỷ USD).

Cũng trong năm đó, Toshiba huy động được 600 tỷ yen từ 60 nhà đầu tư nước ngoài sau đợt phát hành cổ phiếu khẩn cấp. Khoản tiền này cùng với tiền bán mảng chip nhớ đã giúp hãng không bị rút niêm yết trên sàn chứng khoán.

Toshiba cũng từng hấp tấp mua lại CB&I Stone & Webster, đơn vị xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Mỹ. Khoản lỗ của thương vụ này khiến Công ty điện hạt nhân Westinghouse trực thuộc Toshiba phải nộp đơn phá sản hồi tháng 3/2017, để lại cho tập đoàn khoản nợ hơn 6 tỷ USD.

Doanh thu của Toshiba liên tục đi xuống. Năm 2018, Toshiba buộc phải bán 80% cổ phần công ty sản xuất laptop của mình cho đối thủ Sharp với giá 36 triệu USD. Tới tháng 8/2020, số cổ phiếu còn lại đã được chuyển giao cho Sharp, đánh dấu chương cuối chuyến phiêu lưu của "máy tính Toshiba".

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Doanh thu của Toshiba giai đoạn 2008 – 2021

Năm 2020, hãng tiếp tục bị phát hiện sai sót kế toán trong một công ty con. Tháng 4/2021, quỹ đầu tư CVC Capital Partners (Anh) ra giá 2.300 tỷ yen (21 tỷ USD) để mua Toshiba. Đề nghị này đã bị Toshiba từ chối. Vài tháng sau, một cuộc điều tra thực hiện dưới đề nghị của các cổ đông cho thấy Toshiba đã bắt tay với giới chức Nhật Bản, ngăn nhà đầu tư ngoại tăng ảnh hưởng tại đại hội cổ đông năm 2020.

Chỉ trong vài năm, loạt bê bối khiến vị trí CEO và Chủ tịch của Toshiba liên tục xáo trộn. Tương lai của đại gia công nghệ này cũng mờ mịt theo.

Tháng 6/2022, Toshiba nhận được 8 lời chào mua. Họ chọn ra 4 cái tên tiềm năng, trong đó có Bain Capital, CVC Capital Partners, JIP và Japan Investment Corp (JIC). Đến 23/3/2023, Hội đồng Quản trị Toshiba chấp thuận đề nghị của JIP với giá 15,3 tỷ USD.

Ngày 20/12/2023, Toshiba bị rút niêm yết khỏi sàn chứng khoán Tokyo. Việc Toshiba rời thị trường chứng khoán sau 74 năm được xem là đoạn kết buồn cho một trong những công ty hùng mạnh nhất Nhật Bản.

Lí do là gì?

Điều gì đã khiến một trong những “tượng đài” công nghiệp nổi tiếng nhất thế giới sụp đổ như vậy?

Dù là một công ty lâu đời nhưng danh tiếng của Toshiba đã tan tành sau một loạt bê bối. Nguồn gốc của những vụ bê bối này có thể bắt nguồn từ cú trượt dài trong quản trị doanh nghiệp: thiếu sự giám sát nên không kiềm chế được sự cạnh tranh giữa các cựu giám đốc điều hành, đặt áp lực quá mức lên nhân viên, dẫn đến bê bối kế toán rúng động được đưa ra ánh sáng vào năm 2015.

Những bằng chứng quản trị yếu kém của Toshiba bộc lộ rõ rệt kể từ khi bê bối năm 2015 nổ ra. Hãng thường xuyên công bố báo cáo muộn hơn dự kiến. Năm 2017, Masayuki Kubota – chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế chứng khoán Rakuten – từng nêu vấn đề: “Tôi không thể không đặt câu hỏi liệu hệ thống quản lý của Toshiba có phù hợp với một công ty niêm yết hay không?”

'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, ngậm ngùi bán mình cho Trung Quốc
Ông Tanaka Hisao, cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Toshiba, tuyên bố từ chức ngày 21/7/2015 do bê bối thổi phồng lợi nhuận

Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản của Macquarie Capital Securities thì cho rằng Toshiba sụp đổ là do chiến lược tồi tệ và cả kém may mắn.

Vào năm 2006, dù không hề có kinh nghiệm, Toshiba vẫn bỏ ra đến 5,4 tỷ USD để thâu tóm Westinghouse. Nhưng thật không may, đến năm 2011, một cơn sóng thần hủy diệt ập vào bờ biển Nhật Bản, tạo ra cuộc khủng hoảng nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, khiến Nhật và hàng loạt nước khác đóng cửa toàn bộ dự án hạt nhân và ngừng nghiên cứu lĩnh vực này. Sự kiện trên khiến doanh nghiệp này đắm chìm trong nợ. Hàng loạt dự án bị từ chối khiến Westinghouse không còn đường lui và phải nộp đơn phá sản vào năm 2017.

Ngoài ra, Toshiba khá bảo thủ, họ hoàn toàn bỏ lỡ cuộc cách mạng di động và smartphone từ năm 2010. Thay vào đó, họ đánh cược vào sản xuất HD-DVD và tivi 3D nhưng không sản phẩm nào thành công dù chi cả núi tiền.

Dù là công ty Nhật Bản đầu tiên phát triển thiết bị phát sóng năm 1952, máy tính kỹ thuật số năm 1954, lò vi sóng năm 1959 và là tên tuổi trăm năm, Toshiba vẫn là điển hình về việc một công ty tầm cỡ cũng có thể mất chỗ đứng trên thị trường nhanh như thế nào khi đưa ra quyết định kinh doanh tồi tệ.

>> Tượng đài ‘sụp đổ’: Từ ông hoàng thống trị thế giới, mỗi cổ phiếu giá 100 triệu yên đến bài học đắt giá khi người có tiền tự ‘hại chết” chính mình

Bê bối rúng động Nhật Bản: Thực phẩm chức năng khiến hàng trăm người nhập viện, 33.000 công ty bị ảnh hưởng, Chủ tịch cúi rạp xin lỗi người tiêu dùng

Triết lý lạ đời của lãnh đạo công ty hàng đầu Nhật Bản: 'Tôi muốn trở thành CEO ít quyền lực nhất thế giới’

Ai đã kiểm toán và phớt lờ lỗ hổng 78 tỷ USD của 'bom nợ' Evergrande, để xảy ra bê bối gian lận lớn nhất lịch sử Trung Quốc?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tuong-dai-sup-do-huyen-thoai-nhat-ban-mat-140-nam-de-vuon-len-so-1-nhung-tat-ca-tan-bien-vi-be-boi-gian-lan-ngam-ngui-ban-minh-cho-trung-quoc-229816.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Tượng đài' sụp đổ: Huyền thoại Nhật Bản mất 140 năm để vươn lên số 1 nhưng tất cả tan biến vì bê bối gian lận, phải ngậm ngùi bán mình cho đối thủ
POWERED BY ONECMS & INTECH