Quốc tế

Tượng đài ‘sụp đổ’: Từ ông hoàng thống trị thế giới, mỗi cổ phiếu giá 100 triệu yên đến bài học đắt giá khi người có tiền tự ‘hại chết” chính mình

Nguyễn Bình 05/04/2024 13:38

Đế chế này từng thống trị mạng internet toàn thế giới suốt hơn một thập kỷ nhưng cái kết buồn của nó đã trở thành bài học đắt giá dành cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Từ dự án của sinh viên tới “ông hoàng internet”

Yahoo thành lập năm 1994 bởi hai sinh viên tốt nghiệp Đại học Stanford - Jerry Yang và David Filo. Thời đó, người ta chưa có cách nào để tìm kiếm nhanh các trang web mình cần mà chỉ có thể biết được bằng cách truyền miệng.

Ý tưởng chợt nảy ra trong một lần loay hoay tìm kiếm website của trường, David Filo và Jerry Yang đã lập ra một trang web tên là "Hướng dẫn của Jerry và David về World Wide Web".

Đây là nơi liệt kê các danh sách website theo nhóm, nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm các trang web khác nhau theo chủ đề được phân loại. Tháng 3/1995, hai nhà sáng lập quyết định thành lập công ty và đổi tên thành Yahoo (viết tắt của từ “Yet Another Hierarchically Organized Oracle”).

Sự sụp đổ của đế chế Yahoo và bài học đắt giá khi người có tiền tự “hại chết” chính mình
Giao diện của Yahoo khi lần đầu ra mắt năm 1994. Ảnh: Yahoo

Đến năm 1996, Yahoo tiến hành IPO và trở thành một trong những thương vụ thành công nhất trên thế giới vào lúc đó. Chỉ trong vòng 5 tiếng giao dịch, giá cổ phiếu có khi đạt đến 43 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 33 USD, tăng 154% so với giá IPO là 13 USD, đứng top 2 về mức tăng giá trong ngày đầu tiên.

Xuất phát điểm chỉ là một danh bạ web, Yahoo sau đó trở thành website đầu tiên bổ sung các tính năng như tin tức, thể thao, tài chính. Đến đầu năm 1998, họ đã có cả dịch vụ email, mua sắm, rao vặt, game, du lịch, thời tiết, bản đồ, tìm kiếm.

Năm 2000, giá cổ phiếu của Yahoo đã đạt đỉnh kỷ lục 475 USD (giá chưa chia tách) và đưa mức vốn hóa thị trường đạt 125 tỷ USD, là công ty giá trị nhất vào thời điểm đó. Tại Nhật Bản, công ty internet này cũng đã lập kỷ lục khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên có mã cổ phiếu giao dịch với mức giá trên 100 triệu yên (101,4 triệu yên).

Có thể xem Yahoo trong thời đại Web 1.0 giống như sự kết hợp giữa Google và Facebook bây giờ. Nó trở thành website đầu tiên người dùng mở ra khi vào Internet.

Cuối thập niên đó, Yahoo cũng bắt đầu vung tiền tỷ thâu tóm các đối thủ. Ở thời kỳ đỉnh cao, có thể nói Yahoo là một đế chế thống trị mạng internet trên toàn thế giới, khó ai qua nổi.

Sự kiêu ngạo của “kẻ có tiền” làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh

Kể từ khi vung tiền để thâu tóm đối thủ, Yahoo liên tiếp mắc những sai lầm “chí mạng”.

Không phải thương vụ nào của Yahoo cũng thất bại nhưng hầu hết đều không có kết quả khả quan. Năm 1997, công ty chi 94 triệu USD mua lại Four11 - nền tảng xây dựng dịch vụ thư điện tử Yahoo Mail.

Năm 1999, Yahoo chi 4,58 tỷ USD để mua lại Geocities - nơi giúp người dùng tạo ra các trang web miễn phí, là web có lượng truy cập nhiều thứ ba trên thế giới lúc ấy. Tiếp đến là bỏ ra 5,7 tỷ USD cho thương vụ sở hữu Broadcast.com - dịch vụ phát sóng radio và TV trên internet, giúp cho Mark Cuban trở thành tỷ phú.

Sự sụp đổ của đế chế Yahoo và bài học đắt giá khi người có tiền tự “hại chết” chính mình
Hai nhà sáng lập của Yahoo: Jerry Jang và David Filo. Ảnh: Getty Images

Nhưng các quyết định mua lại của Yahoo đều trở thành thương vụ tồi tệ, vì các công ty trên đều phải ngừng hoạt động chỉ trong vòng vài năm.

Là một “ông lớn” tại thời điểm đó, Yahoo khá chủ quan và kiêu ngạo nên liên tiếp bỏ lỡ những cơ hội béo bở.

Năm 1997, 2 nhà sáng lập Larry Page và Sergei Brin của Google muốn bán lại công ty của mình cho Yahoo với giá 1 triệu USD để tập trung vào việc nghiên cứu tại Đại học Stanford nhưng đã bị từ chối. Đây có thể nói là một quyết định sai lầm của Yahoo khi kiên quyết giữ người dùng với các sản phẩm do mình tạo ra.

Khi Google bắt đầu phổ biến, vị thế thống trị mảng công cụ tìm kiếm của Yahoo cũng dần lung lay. Năm 2002, Google thay thế Yahoo làm công cụ tìm kiếm mặc định của AOL. Cùng năm đó, Terry Semel - CEO Yahoo khi ấy – đề nghị mua Google với giá 3 tỷ USD. Nhưng hai đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page đã không đồng ý.

Đó thậm chí chưa phải là cơ hội béo bở nhất mà họ từng bỏ lỡ. Tháng 7/2006, Yahoo nỗ lực mua Facebook khi mạng xã hội này mới có 7 triệu người dùng. Họ ra giá 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Peter Thiel – một trong ba thành viên HĐQT Facebook khi đó - cho biết Mark Zuckerberg chưa bao giờ nghĩ đến việc bán. Yahoo cũng từng bỏ lỡ cơ hội mua eBay và YouTube.

Nếu như trước đó Yahoo liên tục thất bại khi mua lại các "gã khổng lồ" khác, thì năm 2008 một sai lầm nữa của công ty chính là từ chối không cho Microsoft mua lại.

Tại thời điểm này, Yahoo đang là công cụ tìm kiếm đứng thứ 2 thế giới và cho rằng giá 44 tỷ USD mà CEO Steve Ballmer của Microsoft đưa ra là "quá thấp". Theo The New York Times, Yahoo "quên rằng mình đang xuống dốc".

Cuối cùng, tới tháng 7/2016, Yahoo phải đồng ý bán mảng kinh doanh cốt lõi cho Verizon với giá chỉ 4,8 tỷ USD, chấm dứt lịch sử 21 năm trong vai trò một công ty độc lập. Khi đó, Yahoo vẫn có hơn một tỷ người dùng mỗi tháng. Hai năm sau đó, dịch vụ Yahoo Messenger đóng cửa. Năm 2021, chỉ sau 5 năm sở hữu, Verizon tiếp tục bán Yahoo cho Apollo Global Management.

Điều gì khiến “huyền thoại thế giới” giờ chỉ còn lại là đống tro tàn?

Sau sự tàn lụi của một cựu vương, rất nhiều nhà phân tích đã “mổ xẻ” những nguyên nhân khiến Yahoo sụp đổ. Đó không phải là một nguyên nhân chính quá lớn mà là rất nhiều nguyên nhân nhỏ, từng bước khiến Yahoo thụt lùi và lụi bại.

Từ những ngày đầu mới thành lập cho đến lúc sụp đổ, Yahoo vẫn luôn bối rối xác định mình là công ty truyền thông, một tập đoàn công nghệ hay mạng xã hội. Họ không phát triển riêng biệt về một mảng nào mà muốn trở thành ông trùm của tất cả.

Sự sụp đổ của đế chế Yahoo và bài học đắt giá khi người có tiền tự “hại chết” chính mình
Cuối cùng, “ông hoàng internet” Yahoo đã sụp đổ. Ảnh: Getty Images

Thực tế cho thấy, ở cả lĩnh vực truyền thông hay công nghệ di động, Yahoo đều đã thất bại dưới thời hai CEO là Terry Semel và Marissa Mayer.

Thêm vào đó, ở thời hoàng kim, Yahoo liên tiếp lặp đi lặp lại các sai lầm khi đánh giá sai đối thủ cũng như các doanh nghiệp khác. Điều này khiến hầu hết các thương vụ mua bán của Yahoo đều gặp thất bại, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Khi đang trên đà đi xuống, Yahoo lại quá tự tin vào bản thân, kiêu ngạo và cho rằng mình vẫn ở “ngôi vương” nên bỏ lỡ mức giá “bán mình” cho người khác.

Ngoài ra, việc liên tục thay đổi CEO cũng khiến Yahoo lao dốc không phanh. Theo một báo cáo từ Inquirer, không ai trong số các CEO của Yahoo có được một "tầm nhìn chiến lược" phù hợp với thời đại.

>> Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến

Nhân viên Microsoft 'kêu trời' vì 'gã khổng lồ' công nghệ quá tập trung vào OpenAI, tự biến mình thành 'bộ phận CNTT' cho startup tỷ USD

Startup xe điện Trung Quốc: Founder được mệnh danh là ‘Elon Musk thứ 2’, doanh số ngang Tesla, BYD nhưng mỗi chiếc xuất xưởng lỗ nặng gần 300 triệu đồng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tuong-dai-sup-do-tu-ong-hoang-thong-tri-the-gioi-co-phieu-gia-100-trieu-yen-den-bai-hoc-dat-gia-khi-nguoi-co-tien-tu-hai-chet-chinh-minh-229401.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tượng đài ‘sụp đổ’: Từ ông hoàng thống trị thế giới, mỗi cổ phiếu giá 100 triệu yên đến bài học đắt giá khi người có tiền tự ‘hại chết” chính mình
    POWERED BY ONECMS & INTECH