Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến

04-04-2024 04:16|Quỳnh Vân

Người đàn ông lúc sắp nghỉ hưu đã quyết định khởi nghiệp và xây dựng nên một trong những công ty chip vĩ đại có giá trị nhất thế giới.

Theo WSJ, nhiều công ty công nghệ giá trị nhất thế giới thường được thành lập trong phòng ký túc xá, gara để xe và quán ăn bởi các doanh nhân còn rất trẻ. Một số ví dụ có thể kể đến như Bill Gates khởi nghiệp ở tuổi 19, Steve Jobs 21 tuổi, Jeff Bezos và Jensen Huang 30 tuổi.

Trong số đó, một công ty cũng có giá trị hàng đầu thế giới lại được thành lập bởi Morris Chang khi ông 55 tuổi.

WSJ đánh giá, ít ai ở độ tuổi như vậy có thể tạo ra một doanh nghiệp với giá trị lớn như TSMC - nhà sản xuất chip cùng các bộ phận thiết yếu cho máy tính, điện thoại, ô tô, hệ thống AI và nhiều thiết bị khác.

Chang đã có một sự nghiệp lâu dài và vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh chip đến mức đủ để ông trở thành huyền thoại và nghỉ hưu vào năm 1985. Nhưng thay vào đó, ông vẫn tiếp tục tìm cách cách mạng hóa ngành công nghiệp mà bản thân đang theo đuổi.

Sau khi dành 3 thập kỷ làm việc ở Mỹ, ông chuyển đến Đài Loan (Trung Quốc) với một nỗi ám ảnh kỳ lạ. Chang nói: “Tôi muốn xây dựng một công ty bán dẫn vĩ đại”.

Mọi người sử dụng thiết bị có chip do TSMC sản xuất hàng ngày, song trên thực tế công ty không hề thiết kế hoặc tiếp thị những con chip đó.

Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến
Người sáng lập TSMC cho thấy ông vẫn đóng một vai trò quan trọng cho đến ngày nay. Ảnh: WSJ

Ý tưởng cấp tiến của Chang về một công ty bán dẫn vĩ đại là họ sẽ độc quyền sản xuất những con chip do khách hàng yêu cầu. Bằng cách đó, TSMC chưa bao giờ cạnh tranh với chính khách hàng của họ và không phải bận tâm đến việc vận hành các nhà máy chế tạo riêng biệt, đắt tiền và phức tạp.

Mô hình kinh doanh sáng tạo của ông đã thay đổi toàn ngành công nghiệp chip, biến TSMC trở thành công ty không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu.

Chris Miller, tác giả cuốn sách “Chip War”, viết rằng: “Gần như không có ai có tầm ảnh hưởng lớn hơn Morris Chang”.

Hành trình của “ông trùm” TSMC

Morris Chang (92 tuổi) hiện đã chính thức nghỉ hưu với tư cách Chủ tịch TSMC vào năm 2018. Trong cuộc phỏng vấn với tờ WSJ, ông có nói rằng: “Tôi không thể thành lập sớm hơn. Tôi nghĩ không ai có thể làm điều đó. Bởi vì tôi là người tiên phong”.

Rất lâu trước khi chuyển đến Đài Loan ở tuổi trung niên, Morris Chang đã chuyển đến Mỹ khi còn là một thiếu niên.

Chang sinh ra ở Trung Quốc và có một tuổi thơ vất vả khi gia đình phải di chuyển khắp nơi. Đến năm 1949, ông sang Mỹ với ước mơ trở thành một nhà văn hoặc có thể là một nhà báo. Nhưng sau 1 năm đại học, ông quyết định rằng điều ông thực sự muốn là một công việc tốt.

Chuyển đến Viện Công nghệ Massachusetts, Morris Chang học ngành kỹ thuật cơ khí, lấy bằng thạc sĩ và sau đó tìm được công việc đầu tiên trong lĩnh vực bán dẫn.

Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến
Ông nổi tiếng là một nhà quản lý ngoan cường, người có thể tận dụng mọi cải tiến có thể có trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: WSJ

Ba năm sau khi tới Dallas, công ty đã cử Chang đến Đại học Stanford để lấy bằng Tiến sĩ ngành kỹ thuật điện. Vào cuối những năm 1960, ông quản lý bộ phận mạch tích hợp của Texas Instruments (TI) và chẳng bao lâu sau đã điều hành toàn bộ nhóm bán dẫn.

Nhiều người nhận xét cựu Chủ tịch TSMC là một người nghiện công việc đến mức thường xuyên gọi điện với khách hàng trong tuần trăng mật. Chính điều này đã làm nên TSMC của ngày hôm nay, tập đoàn vừa đầu từ 40 tỷ USD xây dựng các nhà máy ở Arizona (Mỹ).

Ông chia sẻ: "Người ta nói về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đó là khái niệm tôi thậm chí còn không biết khi ở tuổi đó. Với tôi, nếu không có việc làm thì không có cuộc sống".

Chang dần leo lên vị trí điều hành của TI, nhưng vì khác biệt trong định hướng phát triển, ông rời công ty vào năm 1983. Gần như ngay lập tức, ông được nhà sản xuất điện tử General Instrument mời làm Chủ tịch kiêm CEO. Song chỉ sau 1 năm, ông nhận ra rằng mình cũng không phù hợp nên liền xin nghỉ việc ở General Instrument.

Khi ấy, ông đã bước sang tuổi 54 và không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Cuối cùng, đến năm 1982, Chang nhận được lời mời trở thành Chủ tịch viện công nghệ hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc) và biến hoạt động nghiên cứu thành lợi nhuận.

Từng từ chối trước đó, 3 năm sau, ông quyết định đến Đài Loan để bắt đầu đế chế TSMC của mình. Chang cho hay: “Không có gì chắc chắn rằng Đài Loan sẽ cho tôi cơ hội, nhưng khả năng đó tồn tại và đó là khả năng duy nhất đối với tôi”.

Sự ra đời của TSMC

Mặc dù các doanh nhân ở độ tuổi 40 và 50 có thể không đủ niềm tin để tin rằng họ sẽ thay đổi thế giới, nhưng họ lại có sự từng trải để làm điều này. Và Morris Chang, với 30 năm kinh nghiệm trong ngành, cũng như vậy.

Khi ngồi xuống tìm hiểu xem mô hình kinh doanh của TSMC nên như thế nào, Chang nhận ra cách duy nhất để xây dựng một công ty vĩ đại là tạo ra một tổ chức kinh doanh hoàn toàn mới để khai thác điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu.

Ông biết công ty của mình không có đủ nguồn lực để cạnh tranh với Thung lũng Silicon trong lĩnh vực thiết kế, bán hoặc tiếp thị chip. Vậy nên, Chang tin rằng lợi thế nằm ở chính khâu sản xuất chip - và chỉ sản xuất chip.

Cựu Chủ tịch khẳng định: “TSMC là một sự đổi mới về mô hình kinh doanh”.

Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến
Cho đến nay, TSMC đã sản xuất được rất nhiều những con chip tiên tiến độc quyền tại các nhà máy lớn ở Đài Loan. Ảnh: WSJ

Ý tưởng đằng sau TSMC cũng là kết quả của triết lý cá nhân mà ông đã phát triển trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, đó là “trở thành đối tác của khách hàng”.

Nguyên tắc sáng lập từ năm 1987 này là nền tảng cho hoạt động kinh doanh của công ty đến tận ngày nay. TSMC cũng nhấn mạnh chìa khóa thành công của họ là luôn tạo điều kiện cho sự thành công của khách hàng.

Hàng trăm khách hàng của TSMC ngày nay bao gồm Apple và Nvidia, hai trong số những công ty duy nhất có giá trị cao hơn công ty mà Chang thành lập. Hiện tại, TSMC là nhà sản xuất chip cho iPhone, iPad và máy tính Mac của Apple - hãng tạo ra 1/4 doanh thu ròng của TSMC.

Cơn “khát” chip càng khiến TSMC trở nên giá trị hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường của công ty tăng gần gấp 4 lần lên hơn 700 tỷ USD. Khoảng 0,5% cổ phần TSMC mà Chang sở hữu hiện trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

>> Nghỉ việc ở Amazon, khởi nghiệp 20 lần thất bại, người đàn ông 37 tuổi trở thành tỷ phú nhờ một chiếc tủ lạnh

Cổ phiếu tăng kỷ lục, TSMC quay trở lại top 10 công ty giá trị nhất thế giới

Điền nhầm đơn đại học, cựu sao Disney trở thành CEO công ty khởi nghiệp không gian lúc nào không hay

Khởi nghiệp từ 'con số 0', anh thợ mộc trở thành tỷ phú USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cu-ong-55-tuoi-moi-khoi-nghiep-nhung-tao-dung-duoc-de-che-700-ty-usd-tu-apple-den-nvidia-deu-phai-tim-den-229172.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến
POWERED BY ONECMS & INTECH