Tuyên bố xe điện Trung Quốc đi trước thế giới 3-5 năm: CEO BYD 'chém gió' hay nói thật?
“Chúng tôi thực sự bị sốc trước tốc độ mà BYD đã bắt kịp” – Ông Paul Gong, Giám đốc nghiên cứu ngành ô tô tại UBS, cho biết tại một hội nghị do tạp chí Fortune tổ chức vào năm ngoái về sự phát triển thần tốc của hãng xe điện Trung Quốc so với các đối thủ lớn trên thế giới.
CEO BYD khẳng định xe điện Trung Quốc đi trước thế giới 3-5 năm
Những năm gần đây, xe điện do Trung Quốc sản xuất đã chiếm được thị phần ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường như Mexico, Malaysia hoặc Thái Lan.
Một trong những lý do chính là chi phí. Xe hơi Trung Quốc thường có giá cạnh tranh hơn nhiều so với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng tuyên bố rằng thành công của họ cũng đến từ sự đổi mới trong sản phẩm.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV vào thứ Hai (17/2), CEO BYD Vương Truyền Phúc đã mạnh dạn đưa ra nhận định xe điện Trung Quốc đang đi trước các đối thủ nước ngoài (trong đó có những “ông lớn” như Tesla, Volkswagen hay Hyundai…) từ 3-5 năm.
Ông Vương phát biểu sau cuộc gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số Giám đốc điều hành doanh nghiệp nổi tiếng khác, bao gồm cả nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Nếu tuyên bố của CEO BYD là có cơ sở, những "ông lớn" ô tô nước ngoài tại Trung Quốc và cả thế giới như Tesla, Volkswagen, Hyundai, Ford, GM hay Hyundai... có lý do để cảm thấy lo lắng.
>> CEO BYD khu vực châu Mỹ: ‘Chúng tôi không phải TikTok hay Huawei, không nên bị cấm ở Mỹ'
Nhà sáng lập BYD gọi tài năng của công ty là tài sản quan trọng nhất. “Đằng sau mỗi công nghệ của chúng tôi là sự đổi mới… và đằng sau mỗi công nghệ của chúng tôi là công sức làm việc chăm chỉ của 110.000 kỹ sư,” ông Vương cho biết.

Các nhà phân tích từ lâu đã lưu ý đến tốc độ phát triển công nghệ đáng kinh ngạc của BYD khi công ty xe điện Trung Quốc này nhanh chóng bắt kịp các công ty dẫn đầu thế giới như Tesla, nhưng với chi phí thấp hơn.
“Chúng tôi thực sự bị sốc trước tốc độ mà BYD đã bắt kịp” – ông Paul Gong, Giám đốc nghiên cứu ngành ô tô tại UBS, cho biết tại một hội nghị do tạp chí Fortune tổ chức vào năm ngoái.
Trong khi đó, CEO BYD Vương Truyền Phúc tuyên bố rằng “sự cởi mở” sẽ cho phép phần còn lại của thế giới được sử dụng xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Một số nhà sản xuất ô tô không phải của Trung Quốc, bao gồm cả những hãng từng thống trị thị trường Trung Quốc trong thời gian dài, như Volkswagen, Toyota hay Hyundai đã phải vật lộn để theo kịp các sản phẩm do các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đưa ra thị trường.
Sự phát triển “chóng mặt” của xe điện Trung Quốc
Trung Quốc đã đặt cược vào xe điện vào đầu những năm 2010 khi mạnh tay cung cấp cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng các khoản trợ cấp. Sự hỗ trợ của Nhà nước tại “quốc gia đông dân thứ 2 thế giới” khiến các Chính phủ nước ngoài khó chịu, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Những quốc gia này cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy sản xuất quá mức xe điện và bán phá giá chúng ở các thị trường nước ngoài.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế đối với xe điện Trung Quốc sau khi cáo buộc rằng giá cả “được giữ ở mức thấp một cách giả tạo nhờ các khoản trợ cấp lớn của Nhà nước”.
>> Hãng taxi Việt sử dụng xe điện Trung Quốc phủ sóng thêm một thành phố, có mức giá 'rẻ như xe máy'
Đáp lại, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cho rằng chi phí thấp của họ là kết quả của hoạt động sản xuất và quản lý sáng tạo, chứ không phải là nhờ trợ cấp của Chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng sự hỗ trợ ban đầu của Bắc Kinh đã tạo ra hàng trăm công ty mới. Cạnh tranh khốc liệt buộc các nhà sản xuất ô tô phải tìm cách đổi mới để cố gắng trở nên nổi bật và giảm chi phí, đặc biệt là khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu cắt giảm trợ cấp.
Ví dụ, BYD đã phát triển pin “blade” của riêng mình, không phụ thuộc vào niken, mà công ty tuyên bố là an toàn hơn. Nio, một công ty khởi nghiệp xe điện khác của Trung Quốc, đã cố gắng tiên phong trong việc hoán đổi pin cho ô tô của mình tại Trung Quốc đại lục.
Các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả những công ty mới tham gia “cuộc chiến” này như Xiaomi, hiện đang nhanh chóng cung cấp các tính năng tự động nhằm giành lợi thế trên thị trường ô tô cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc.
Tuần trước, BYD đã thông báo sẽ đưa các tính năng hỗ trợ lái xe của mình vào nhiều dòng sản phẩm hơn, bao gồm cả Seagull giá dưới 10.000 USD (hơn 255 triệu đồng). Mặc dù các hệ thống của BYD không “dẫn đầu ngành”, nhưng chúng mang lại “ lợi thế trong cuộc cạnh tranh gay gắt về giá cả”, nhà phân tích Vincent Sun của công ty dịch vụ tài chính Morningstar đã viết trên trang cá nhân hôm 19/2.
Theo Fortune.com/Yahoo! Finance