Tuyến metro 62.000 tỷ đồng sắp khởi công tại Hà Nội: Doanh nghiệp nào triển khai?
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn về kế hoạch khởi công các tuyến đường sắt đô thị trọng điểm trong năm 2025.
![]() |
Hình minh họa |
Cụ thể, TP. Hà Nội đặt mục tiêu khởi công tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) vào ngày 10/10 và tuyến metro số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) vào ngày 19/12/2025.
Tuyến metro số 5 là một trong những dự án hạ tầng quy mô lớn nhất Thủ đô, với tổng vốn đầu tư lên tới 61.900 tỷ đồng. Tuyến dài hơn 38km, đi qua nhiều khu vực quan trọng như Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc, bao gồm 6 ga ngầm, 15 ga nổi. Trong tổng chiều dài, có khoảng 6km đi ngầm, 2km trên cao và 30km đi bằng.
Hiện nay, Hà Nội đang khai thác hai tuyến metro: Tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) và đoạn Nhổn – Cầu Giấy thuộc tuyến số 3. Tuy nhiên, theo Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 (phê duyệt theo Quyết định 1569/QĐ-TTg), thành phố sẽ phát triển tổng cộng 14 tuyến metro để hình thành mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối hiệu quả vùng lõi và vùng mở rộng.
Trong bối cảnh đó, sự tham gia của các tập đoàn lớn nước ngoài, đặc biệt là Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG – Trung Quốc), được kỳ vọng tạo thêm động lực hiện thực hóa các dự án. Từ năm 2024, CPCG đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác cùng TP. Hà Nội và Vinaconex (Mã VCG) liên quan đến đầu tư tuyến metro số 5.
![]() |
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội có sự tham gia của CPCG (Nguồn ảnh: UBND TP. Hà Nội) |
CPCG là tập đoàn tư nhân hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng – hạ tầng, đạt doanh thu gần 80 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 96 trong danh sách Fortune Global 500 và sở hữu năng lực thi công tại hơn 3.000 dự án trên toàn cầu. Tập đoàn hiện đang hoạt động tại nhiều quốc gia như Malaysia, Ukraine, Iran… và có hơn 100 công ty đầu tư nước ngoài.
Sang năm 2024, doanh thu của tập đoàn này đạt 76,4 tỷ USD.
Với năng lực tài chính và kỹ thuật vững mạnh, CPCG được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án giao thông quy mô lớn tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2025, CPCG đã mở rộng hoạt động sang nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP. HCM... với đề xuất đầu tư vào các dự án giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp và cửa khẩu thông minh. Đáng chú ý, tập đoàn này cũng đang xúc tiến kế hoạch đặt trụ sở chính tại Bắc Ninh để điều phối các hoạt động tại Việt Nam trong dài hạn.
Đáng lưu ý, hồi tháng 5/2025, CPCG là thành viên liên danh duy nhất trúng gói thầu trị giá 10.800 tỷ đồng thuộc dự án cầu Tứ Liên – một trong những công trình trọng điểm do Vingroup làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 20.000 tỷ đồng. Đây được xem là “phát pháo mở màn” cho chuỗi hiện diện sâu rộng hơn của CPCG tại thị trường Việt Nam.
Gần đây nhất, đầu tháng 7/2025, tập đoàn này tiếp tục đề xuất lập báo cáo tiền khả thi cho dự án hầm đường bộ xuyên Vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025–2030.
Sự góp mặt của CPCG tại nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông – đô thị, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, tạo nền tảng phát triển hạ tầng hiện đại và kết nối vùng Thủ đô với các trung tâm kinh tế lân cận.
>> 16.000 công nhân chạy tiến độ siêu dự án 16 tỷ USD sau chỉ đạo của Thủ tướng