Tỷ lệ kết hôn thấp đe doạ ngành dịch vụ cưới hỏi trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc
Sau đại dịch COVID-19, ngành công nghiệp cưới hỏi - ước tính trị giá gần 500 tỷ USD - đang phải đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn, đó là số lượng các cặp đôi sẵn sàng kết hôn giảm mạnh.
Theo hãng tin Reuters (Anh), xu hướng không kết hôn ngày càng trở nên phổ biến khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu. Trong bối cảnh đó, giới chức đang phải nỗ lực đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp đôi kết hôn và sinh con, khi tỷ lệ này giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, dẫn đến tình trạng dân số sụt giảm lần đầu trong 60 năm.
Ông Yuan Jialiang - người điều hành doanh nghiệp tổ chức đám cưới quy mô lớn ở Thượng Hải suốt gần một thập kỷ qua - cho biết ông đã phải chuyển sang lĩnh vực chụp ảnh cưới.
“Số lượng kết hôn đang giảm và ít người sẵn sàng chi nhiều tiền để tổ chức đám cưới. Tương lai của ngành này có vẻ không mấy hứa hẹn”, ông nhận định.
Trên khắp Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ có 6,8 triệu cặp đôi kết hôn, ít hơn 800.000 cặp so với năm 2021. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 1986.
Số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn sụt giảm cũng làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tại quốc gia này, nhiều thành phố từ chối trợ cấp nuôi con, hoặc chăm sóc sức khỏe cho những bà mẹ chưa kết hôn và việc có con ngoài giá thú thường bị phản đối.
Ông Ben Cavender, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược China Market Research Group, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Có rất nhiều người nói rằng hôn nhân không phải là điều phù hợp với họ và rất nhiều thanh niên ở Trung Quốc cảm thấy rằng việc nuôi dạy con cái quá tốn kém. Ngành công nghiệp cưới hỏi truyền thống của Trung Quốc có lẽ đang ở trong thời kỳ khó khăn”.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dịch vụ tổ chức cưới hỏi là ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc. Công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting ước tính ngành công nghiệp này trị giá 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.
Theo truyền thống, các cặp đôi sẽ chi tiền mạnh tay để mua đồ trang sức vàng, thuê địa điểm tổ chức đám cuới sang trọng và trang trí đám cưới cầu kỳ. Tuy nhiên, ông Frank Chen, tại công ty Chen Feng Wedding Planning ở Thượng Hải, cho biết năm nay, có rất ít người chi ngân sách trên 100.000 nhân dân tệ để tổ chức đám cưới.
“Mọi người có xu hướng tổ chức một đám cưới đơn giản và phù hợp hơn”, ông nói, đồng thời cho biết rằng cách đây một thập kỷ, các cặp đôi thường chi hàng triệu nhân dân tệ cho ngày lễ trọng đại của cuộc đời.
Song bên cạnh đó, năm 2023 đã trở nên bận rộn hơn với một số doanh nghiệp, sau khi nhiều đám cưới được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2022 đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Các công ty trang sức Chow Tai Fook và TSL cho biết họ kỳ vọng nhu cầu về trang sức cưới năm nay sẽ trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, TSL cho biết tương lai lâu dài của ngành sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế.
“Chủ yếu là những đám cưới chưa thể tổ chức do đại dịch COVID-19. Một số khách hàng đặt lịch lại của chúng tôi đã thực sự chia tay”, doanh nghiệp tổ chức đám cưới Xueyi cho biết. Doanh nghiệp này đã chứng kiến hoạt động kinh doanh ở Tây An và Thượng Hải tăng đột biến trong năm nay.
Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và giới trẻ, những đối tượng khó khăn nhất, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và chi tiêu hộ gia đình thấp. Trong khi đó, những người tiêu dùng giàu có hơn dường như được “cách ly” tốt hơn trước những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô.
Cô Jewel Wang, chủ sở hữu chi nhánh các cửa hàng bán váy cưới của nhà thiết kế người Mỹ Vera Wang, kỳ vọng các công ty chuyên về dịch vụ cao cấp hoặc đặt làm riêng sẽ hoạt động tốt hơn những công ty ở tầm thấp đến tầm trung.
Cô Wang cũng là người sáng lập cửa hàng váy cưới Nora ở Thượng Hải, nơi trưng bày những bộ váy sang trọng của các nhà thiết kế bao gồm Oscar de la Renta và Carolina Herrera. Cô cho biết tháng 6 vừa qua là thời điểm tuyệt vời nhất trong một thập kỷ do nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch.
“Đối với chúng tôi, việc tìm được cô dâu tiếp theo có đủ khả năng mua sản phẩm của chúng tôi sẽ có ý nghĩa hơn so với việc chiếm được thị phần lớn trên thị trường”, Wang nói. Tuy nhiên, cô vẫn thận trọng về tương lai.
Wang cho biết: “Là một thị trường, chúng tôi nhận thấy chi tiêu đang sụt giảm hoàn toàn. Chiến lược của chúng tôi là duy trì thị trường ngách. Chúng tôi không muốn tham gia vào thị trường rộng lớn hơn vì chúng tôi không nghĩ rằng đó là thị trường phù hợp”.
Người giàu nhất Trung Quốc yêu cầu CEO công ty mẹ TikTok xin lỗi
Một hãng taxi mạnh tay mua 1.000 chiếc xe ô tô điện Trung Quốc để chạy dịch vụ