Dòng vốn châu Á tháo chạy, 2.500 tỷ USD có nguy cơ 'bốc hơi': Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Đồng USD đang đứng trước nguy cơ bị bán ra hàng loạt với tổng giá trị có thể lên đến 2.500 tỷ USD, khi các quốc gia châu Á bắt đầu rút dần lượng USD tích trữ trong nhiều năm qua, theo chuyên gia kinh tế Stephen Jen.
Trong báo cáo phát hành ngày 7/5, ông Stephen Jen cùng Joana Freire – thuộc công ty quản lý tài sản Eurizon SLJ Capital – cho biết các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư châu Á đã tích lũy một khối lượng USD “vô cùng lớn” trong nhiều năm qua, đồng thời góp phần mở rộng đáng kể thặng dư thương mại giữa khu vực này và Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng ngày càng gia tăng căng thẳng, một số nhà đầu tư tại châu Á có thể sẽ lựa chọn rút vốn về nước hoặc triển khai các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ suy yếu của đồng bạc xanh – động thái có thể dẫn tới làn sóng bán tháo đối với đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi cho rằng lượng USD mà các nhà xuất khẩu và tổ chức tài chính châu Á đang nắm giữ có thể lên đến khoảng 2.500 tỷ USD – và điều này tạo ra rủi ro giảm giá nghiêm trọng cho đồng USD so với các đồng tiền châu Á”, Jen và Freire viết.

Sức hút dài hạn của đồng USD đang dần bị thách thức, khi những nỗ lực định hình lại trật tự thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump khiến giới đầu tư phải đánh giá lại chiến lược "đặt cược vào sự vượt trội của Mỹ". Mới đây, đồng Đài tệ tăng mạnh càng làm dấy lên suy đoán rằng các nhà hoạch định chính sách châu Á sẵn sàng để đồng nội tệ lên giá so với USD như một phần trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Stephen Jen, người được biết đến với học thuyết "dollar smile", từng nhận định rằng khoảng 1.000 tỷ USD có thể sẽ quay trở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi các doanh nghiệp Trung Quốc bán tài sản định giá bằng USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Ông Jen cho rằng việc rút vốn với quy mô hàng nghìn tỷ USD có thể sẽ diễn ra nhanh hơn vì nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Malaysia...đang nắm giữ lượng lớn USD mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ trước rủi ro tỷ giá. Đây là các quốc gia có thặng dư thương mại lớn, nên thường tích lũy nhiều USD.
“Hiện nay đang tồn tại một sự mất cân bằng lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu, điều này khiến đồng USD rơi vào vị thế dễ bị tổn thương”, ông Jen cảnh báo trong báo cáo mới nhất.