Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa kêu gọi quản lý chặt chẽ hoạt động live-stream của các công ty thương mại điện tử.
Theo đó, hơn 5.000 tài khoản livestream đã bị phạt vào năm ngoái do liên quan đến hành vi lừa đảo giá, chẳng hạn như so sánh ảo và phóng đại.
Theo quy định của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc, việc bịa đặt hoặc nâng giá gốc và đưa ra các khoản giảm giá ảo được coi là hành vi gian lận về giá.
“Thương mại điện tử phát trực tiếp đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số đại lục, song những gian lận và hành vi hỗn loạn khác đã cản trở sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế”, trích bài đăng trên Economic Daily. Những hành vi này không chỉ gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm tổn hại đến danh tiếng của lĩnh vực live-stream.
Do đó, Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) đã kêu gọi cơ quan chức năng cải thiện các quy định cho lĩnh vực này và tăng hình phạt đối với hành vi gian lận giá cả. Cơ quan truyền thông cho biết trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử, người bán và người live-stream cần được làm rõ trong những trường hợp này.
Bài báo kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử cần chủ động trấn áp các hoạt động phát trực tiếp đáng ngờ và họ nên áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn.
Lời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn được đưa ra khi các nền tảng thương mại điện tử ngày càng dựa vào phát trực tiếp để thu hút người tiêu dùng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước và chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu.
Những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này bao gồm các nền tảng thương mại điện tử truyền thống như Taobao của Tập đoàn Alibaba, cũng như các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou Technology của ByteDance.
Thương mại điện tử phát trực tiếp đã chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh số bán hàng trong lĩnh vực này đã tăng 58,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong 10 tháng đầu năm 2023, đạt 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (311 tỷ USD), chiếm 18,1% tổng số hoạt động mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của cơ quan quản lý. Vào tháng 4/2021, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và sáu cơ quan quản lý khác cùng ban hành các quy tắc nhằm hạn chế các hành vi sai trái như bán sản phẩm giả, làm sai lệch số lượt xem và thúc đẩy các mô hình kim tự tháp.
Tháng trước, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn hoạt động thương mại điện tử phát trực tiếp. Bài báo cho biết những hành vi sai trái trong ngành phát trực tiếp, từ quảng cáo gian lận đến định giá sai lệch, cần được giải quyết và trừng phạt để đảm bảo sự tăng trưởng lành mạnh và bền vững của ngành.
(Theo SCMP)