Vận tải biển lao đao vì ‘cơn ác mộng’ tắc nghẽn lan rộng sang châu Á
Tình trạng tắc nghẽn vận tải biển hiện nay là một thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển đang đối mặt với đợt tắc nghẽn nghiêm trọng nhất trong 18 tháng qua, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại toàn cầu.
Nguyên nhân chính là do tác động dai dẳng từ tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển tại Biển Đỏ, buộc các hãng tàu phải điều chỉnh lộ trình để đảm bảo an toàn, dẫn đến ách tắc tại các cảng trung chuyển.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica, tình trạng tắc nghẽn đặc biệt phức tạp tại các cảng biển ở châu Á khi có đến 60% trong số các tàu đang chờ cập cảng thuộc về khu vực này.
Tình trạng tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa đường biển lan rộng sang châu Á. Ảnh: Getty images |
Đáng chú ý, tình trạng tắc nghẽn tại cảng container Singapore - cảng lớn thứ 2 thế giới - đang ở mức tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid.
Số liệu của Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) cho thấy, thời gian chờ trung bình để tàu container cập bến đã tăng lên 2-3 ngày so với mức thông thường chỉ dưới 1 ngày.
Con số này thậm chí có thể lên tới 1 tuần theo số liệu của Linerlytica và PortCast, hãng cung cấp dữ liệu vận tải biển theo thời gian thực.
Do đó, nhiều tàu vận chuyển đã buộc phải thay đổi lộ trình, bỏ qua Singapore để chuyển hướng đến các cảng lân cận ở Malaysia và Trung Quốc. Điều này làm gia tăng áp lực lên các nhà quản lý cảng biển tại những quốc gia này.
Mặc dù giới chức cảng của các nước này đang nỗ lực triển khai biện pháp dự phòng, thực tế cho thấy việc cải thiện tình hình trong thời gian ngắn là điều khó khăn.
Tại Malaysia, số lượng tàu container chờ cập bến tại Port Klang và Tanjung Pelepas tiếp tục tăng, khiến thời gian chờ đợi kéo dài đáng kể.
Mùa cao điểm đến sớm đã khiến giá cước vận tải biển tăng phi mã. Ảnh: Getty Images |
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các cảng ở Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải và Thanh Đảo, nơi hàng dài tàu container xếp hàng chờ được dỡ hàng.
Hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch mới đây cho biết họ sẽ hủy bỏ 2 hải trình từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến châu Âu vào đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, mùa cao điểm vận tải biển được cho là đến sớm hơn dự kiến, càng làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Theo công ty vận tải giao nhận toàn cầu DHL, điều này có thể là do nhu cầu dự trữ hàng hóa tăng cao, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Các nhà sản xuất và nhà bán lẻ muốn vận chuyển hàng hóa về kho lưu trữ sớm hơn so với mọi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng có thể tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong khi đó, giá cước vận tải biển đã tăng mạnh ngay từ tháng 5, trái ngược với xu hướng ổn định trong tháng 4.
Giới phân tích cảnh báo rằng chi phí vận chuyển tăng cao sẽ thúc đẩy nguy cơ tăng giá đối với người tiêu dùng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Theo Reuters
>> Hàng hóa châu Âu tắc nghẽn nghiêm trọng vì các cảng lớn nhất nước Đức đồng loạt đình công