VARS lý giải nguyên nhân các phiên đấu giá có mức khởi điểm thấp
Việc các địa phương vẫn sử dụng Bảng giá đất hiện hành được cho là nguyên nhân dẫn mức giá khởi điểm trong các phiên đấu giá đất thấp, không phù hợp với thực tế.
Từ tháng 8 đến nay, Hà Nội đã chứng kiến một số phiên đấu giá đất với mức giá khởi điểm tương đối thấp.
Ngày 10/8, tại Nhà thi đấu huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng 68 thửa đất thuộc khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.
Giá khởi điểm của các thửa đất này dao động từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng đấu giá tăng gấp 5 - 8 lần so với mức khởi điểm.
Một người tham gia phiên đấu giá tại Thanh Oai chia sẻ rằng, ban đầu, các thửa đất tại đây dự kiến có giá khởi điểm từ 25 - 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khi phiên đấu giá diễn ra, giá khởi điểm chỉ còn 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, chính điều này đã thu hút gần 5.000 người đăng ký tham gia, trong đó có nhiều người dân địa phương với nhu cầu ở thực.
>> 'Nốt trầm' của đất nền phía Nam: 'Lặng sóng' chờ 'bão' chính sách
Đến ngày 19/8, 19 lô đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã được đấu giá với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Kết quả, giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất cũng đạt 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần so với giá ban đầu.
Cùng tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức dự kiến tổ chức đấu giá thêm 52 thửa đất vào ngày 26/8 và 9/9 với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, tuy nhiên huyện này sau đó đã thông báo tạm dừng đấu giá.
Dự kiến, vào ngày 5/10 tới, 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai sẽ được tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm là 5,3 triệu đồng/m2.
Từ nay đến cuối tháng 9, các huyện Mỹ Đức, Mê Linh và Phú Xuyên sẽ đưa ra đấu giá quyền sử dụng 229 lô đất với giá khởi điểm thấp nhất là 3,6 triệu đồng/m2.
Trưởng đoàn kiểm tra đấu giá đất tại Thanh Oai và Hoài Đức cho biết, giá trúng đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - ông Lê Minh Ngân, đoàn kiểm tra của Bộ đã đánh giá rằng trước khi tổ chức đấu giá, các địa phương đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Việc giá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm là thực tế do ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi giữa các quy định cũ và Luật Đất đai 2024, Kinh doanh bất động sản 2023 mới có hiệu lực; điều này dẫn đến việc xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường.
Liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất, bảng giá đất hiện hành do UBND cấp tỉnh ban hành theo luật cũ vẫn được áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trong trường hợp cần thiết, các tỉnh có thể điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, việc không kịp thời điều chỉnh hoặc điều chỉnh bảng giá đất tăng đột biến có thể tiềm ẩn rủi ro cho thị trường bất động sản.
Một số địa phương đã thông báo điều chỉnh Bảng giá đất tăng cao, gây phản ứng từ người dân và doanh nghiệp sử dụng đất, nhất là trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo Luật Đất đai 2024.
Một số địa phương chậm ban hành quyết định điều chỉnh giá đất khiến hàng nghìn hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, sang nhượng hoặc cấp chứng nhận bị trì hoãn do chờ bảng giá mới.
Ngoài ra, theo Nghị định 71, quy định thuê tư vấn xác định giá đất đã bị bỏ, thay vào đó là xác định theo hệ số K dựa trên bảng giá đất của địa phương.
Việc một số địa phương vẫn áp dụng bảng giá đất hiện hành làm giá khởi điểm để đấu giá đất có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng, gây ra những bất thường và thất thu ngân sách Nhà nước.
>> 'Cuộc đua' cuối năm của thị trường chung cư phía Nam: Bình Dương và Đồng Nai liệu có dẫn đầu?