Vay ngân hàng mua nhà, vợ chồng trẻ cần chú ý gì để tránh 'bẫy' lãi suất?
Hiện các ngân hàng có động thái giảm lãi suất cho vay với bất động sản, mức thấp nhất từ 5%/năm khiến nhiều vợ chồng trẻ muốn vay tiền mua nhà. Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý nhiều vấn đề để người vay tránh “bẫy” lãi suất thả nổi sau khi hết ưu đãi.
Có kế hoạch mua nhà năm nay nên vợ chồng chị Thu Hiền (ở Hà Đông, Hà Nội) đang tìm hiểu các gói cho vay tại một số ngân hàng và thấy khá hấp dẫn, khi lãi suất chỉ từ 5%/năm.
Chị Hiền dẫn chứng, Ngân hàng BIDV đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà với khách hàng ở Hà Nội và TP.HCM mức tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu tiên, kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng. Mức lãi suất 5,5% trong 12 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng.
Hay Sacombank hiện áp dụng cố định lãi suất 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay phục vụ đời sống, trong đó có mua nhà.
“Vợ chồng tôi thấy mức lãi suất ưu đãi hiện khá thấp. Tuy nhiên, vì lần đầu mua nhà, chưa có kinh nghiệm khi vay tiền ngân hàng cần chú ý những điều gì nên khá lo lắng. Do vậy, chúng tôi cần tìm hiểu thật kỹ thêm mới dám quyết định”, chị Hiền cho hay.
Với những người muốn vay tiền ngân hàng mua nhà như vợ chồng chị Hiền cần lưu ý những điều gì để vừa được hưởng các mức lãi suất ưu đãi, vừa tránh “bẫy” lãi suất thả nổi sau khi hết ưu đãi, lại phù hợp khả năng tài chính?
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho hay cách đây 6-9 tháng, người mua nhà phải trả lãi suất cho vay quanh mức 10-10,5%. Nhưng khoảng 2-3 tháng vừa qua, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống 5,5-6%.
Ông Quyết cho rằng, đây cơ hội tốt cho nhiều người vay mua nhà khi có ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất cố định từ 12-24 tháng. Ông Quyết lưu ý, người mua nhà khi vay ngân hàng phải cân đối nguồn thu nhập của mình sau thời hạn lãi suất được ưu đãi. Sau thời gian đó, lãi suất sẽ phải cộng thêm biên độ 2-3% hoặc nhiều hơn, tùy nhà băng.
“Lãi suất theo cơ chế thị trường, nhiều khi không lường được trong 2-3 năm tiếp theo, có thể lại lên trên 10%, rất rủi ro. Do đó, trước khi vay cần tính toán kỹ thu nhập, khả năng chi trả sau 2-3 năm sẽ như thế nào, để tránh thâm hụt ngân sách của gia đình. Kể cả vấn đề trả nợ trước hạn, có ngân hàng sẽ phạt từ 1-1,5%, thậm chí 2% cũng cần tính toán”, ông Quyết nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Đất Xanh Miền Bắc cho biết, khi vay mua nhà lần đầu, nên lựa chọn gói có thời gian cho vay dài, có thể từ 20-25 năm là tốt nhất.
“Nên chọn các ngân hàng Nhà nước, ngân hàng lớn có tính ổn định cao để vay vì họ thường có biến động lãi suất không quá mạnh. Mặc dù quy định cho vay của các ngân hàng này thường khắt khe, nhưng chính điều đó sẽ giúp người vay mua nhà giảm bớt được rủi ro”, ông Quyết khuyến cáo thêm.
Đặc biệt, ông cũng lưu ý, chỉ nên dùng đòn bẩy tài chính khoảng 50% giá trị căn nhà sẽ an toàn; nếu mới mua mà dùng đòn bẩy tài chính đến 70%, sau này sẽ rất rủi ro.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, lãi suất khởi đầu các ngân hàng bao giờ cũng đưa mức ưu đãi rất thấp, thậm chí có ngân hàng chào mời lãi suất bằng 0, nhưng chỉ trong vài tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ bật tăng.
Do vậy, ông Hiếu lưu ý, khi vay mua nhà, người vay cần hỏi rõ về cơ sở tính lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm.
“Nếu có tiền trả trước thì phí trả trước hạn là thế nào. Còn nếu trễ hạn trả, lãi phạt là bao nhiêu… Đó là những vấn đề căn bản mà những người đi vay mua nhà cần biết”, ông Hiếu nói.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, nếu vay trong thời gian càng dài càng tốt, sẽ giúp người vay có nợ gốc trải đều theo thời gian, giúp giảm số tiền phải trả cho ngân hàng mỗi tháng.
“Tỷ lệ an toàn cho các khoản thanh toán không quá 50-60% thu nhập hàng tháng. Nhưng nếu tỷ lệ đó lên đến 70-80% là rất rủi ro khi phải dành ra quá nhiều tiền thu nhập để trả nợ ngân hàng”, ông Hiếu khuyến cáo.
Lãi suất huy động thấp, bất động sản dòng tiền hút nguồn vốn nhàn rỗi?
Lật ngược dòng chảy, 16 ngân hàng 'cất cánh' tăng lãi suất huy động trong tháng 4